
Tháng 11 đã tới. Để khởi động chiến dịch #noplasticvember nhằm khuyến khích giảm thiểu việc sử dụng nhựa dùng một lần, chúng tôi tìm đến ba người phụ nữ Sài Gòn đầy cảm hứng, với một sở thích chung là gìn giữ, bảo vệ môi trường theo cách riêng của họ.
Đọc bài viết bằng tiếng Anh
Mỗi năm, con người tiêu thụ hơn 300 triệu tấn nhựa trên toàn cầu. Cũng mỗi năm, túi nilon giết chết 100,000 động vật dưới nước. Các con số cứ ngày một tăng lên một cách mất kiểm soát. Và Việt Nam là một điển hình, đứng thứ 17 trên thế giới trong những đất nước có tình trạng ô nhiễm đại dương nghiêm trọng. Tuy nhiên, hy vọng vẫn le lói khi các doanh nghiệp lớn nhỏ đang dần chú trọng đến tác động tích cực lên môi trường. Những nhóm như Generation Eco Vietnam đang tiên phong các chiến dịch dọn dẹp đường phố, và các cửa hàng như Saigon’s Organik House lại có “trạm làm đầy”, và những đồ vật tái sử dụng rất hữu ích.
Tháng 11 là tháng để ngẫm nghĩ lại mọi điều. Đây là tháng Rethink Plastic Vietnam chọn để nâng cao nhận thức của con người về nhựa phế thải. Và cũng là tháng The Dot khởi động chiến dịch #noplasticvember, nhằm khuyến khích mọi người hạn chế mua và sử dụng nhựa dùng một lần, chúng tôi “tiếp cận” ba người phụ nữ với ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Susanne Meletzki sáng lập dự án Green Around The Corner. “Đó là một cửa hàng đặt lối sống bền vững lên hàng đầu.” Lê Thuỳ Linh là chủ công ty AYA, chuyên cho các thương hiệu đồ uống takeaway mướn cốc tái chế. Linh là một người phụ nữ trẻ đầy hoài bão. “Bọn chị hi vọng có thể “tống khứ” 1 triệu cốc nhựa dùng một lần.” Và Đinh Nguyễn Kiều My là giám đốc sáng tạo tại TheBlueTshirt. “Chị còn dạy lớp thời trang-thiết kế tại Đại Học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề thời trang bền vững,” Kiều My vui vẻ chia sẻ.
Susanne Meletzki, Nhà Sáng Lập Green Around The Corner

Cửa hàng toạ lạc tại khu vườn yên tĩnh của Snap Cafe ở Quận 2, hệt như tính cách nhẹ nhàng của Susanne Meletzki. Là nhà sáng lập Green Around The Corner, cô rất tích cực trong việc sử dụng và lan truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thực chất, Green Around The Corner lúc đầu là mô hình cafe cây cảnh với khu bán lẻ riêng biệt. “Bọn chị mở cửa từ tháng 1 năm 2018, đó mới là Green Around The Corner đích thực,” cô nhớ lại. Giờ khu cafe không còn nữa, và khu bán lẻ thì “chuyển nhà” sang Snap.
Su nhắc chúng tôi sự thật “đau lòng” rằng không phải giảm thiểu nhựa là có thể giải quyết mọi thứ. “Với chị, bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở việc sử dụng và tiêu thụ nhựa hay không. Nó là cả một công cuộc bảo tồn sự nguyên vẹn cho môi trường, cùng lúc đó gìn giữ những sản phẩm thủ công truyền thống và các thiết kế trường tồn theo thời gian…”

Cô cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đến những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng tích cực đến môi trường. “Hai người phụ nữ mà chị lấy làm tấm gương là Trang Nguyễn, cô mới lọt vào danh sách 100 người phụ nữ truyền cảm hứng được BBC bình chọn. Hãy xem tập TedxHanoi talk với chủ đề ‘Last of the Wild’ và bạn sẽ hiểu vì sao cô là thần tượng trong lòng chị,” Su gật gù. “Và “người hùng” thứ hai là Thảo Vũ, sáng lập ra dự án Kilomet109. “Vì sao ư? Từng khâu trong dự án của cô ấy đều thể hiện sự lưu tâm đặc biệt đến môi trường, từ việc chọn lựa chất vải đến sử dụng chất liệu nhuộm màu tự nhiên…”
Chúng tôi theo chân Su đến một số cửa hàng “xanh” như Saigon Suds, với những bánh xà phòng nha đam, tinh than đen và dầu Argan, Blue Moon Handmade chuyên các dòng khử mùi và dưỡng ẩm tự nhiên, và những sản phẩm thủ công phong cách Nhật Bản tại Pilgrim.

Khi được hỏi cách duy trì một lối sống bền vững, Su trả lời chắc nịch “Có quyết tâm là sẽ làm được! Hãy bắt đầu từ những bước cơ bản như cầm túi vải của bạn khi đi chợ để không phải nhận thêm túi nilon nữa,” cô khuyên.

Và mặc dù khí hậu trái đất cũng như tình trạng môi trường đang ngày càng báo động, Susanne Meletzki vẫn rất lạc quan. “Rất nhiều dự án lớn nhỏ đã ra đời trong vài năm gần đây nhằm nâng cao nhận thức và hành động của mọi người để môi trường được cải thiện hơn…” cô nở một nụ cười tràn đầy hy vọng.
Đinh Nguyễn Kiều My, Giám Đốc Sáng Tạo Tại TheBlueTshirt

Đinh Nguyễn Kiều My cũng rất tích cực với sự thay đổi “chậm mà chắc” của người dân Sài Gòn cũng như các thành phố khác tại Việt Nam về ý thức bảo vệ môi trường. Song cô vẫn bày tỏ sự lo lắng với những người dân không “mảy may” về tình trạng này.
TheBlueTshirt góp phần vào công cuộc cải tổ môi trường bằng cách phát triển bền vững. “Bọn chị là thương hiệu nội địa, tập trung phát triển mặt hàng theo thị yếu khách hàng, chứ không sản xuất tràn lan,” Đinh Nguyễn Kiều My giải thích. Công ty tái sử dụng đến 65% vải thừa “lẽ ra sẽ trở thành rác thải”.

Nhưng cô vẫn tin rằng, bảo vệ môi trường cần nỗ lực chung sức của tất cả mọi người. “Chúng ta cần vận dụng sức mạnh tập thể để giảm thiểu tối đa rác, nhựa và năng lượng trước khi mọi thứ trở nên quá muộn (bây giờ đã là muộn rồi),” vẻ mặt cô trở nên nghiêm trọng. Cô cũng tự mình theo đuổi lối sống thân thiện với môi trường từ rất lâu. “Chị luôn chất đầy túi và hộp đựng đồ ăn dùng nhiều lần trong cốp xe máy, dù hơi tốn chỗ một chút nhưng đó là cách chị luôn nhắc nhở bản thân về lựa chọn của mình,” cô cười. Trong túi của cô chứa nhiều sản phẩm “xanh”. “Chị luôn mang theo ống hút sắt và bình đựng nước. Từ hồi còn học cấp hai, chị đã tập thói quen luôn ra ngoài với bình nước trong người…” cô tự hào kể. Thi thoảng, cô ước trở về ngày xưa, cái thời xôi gói trong lá chuối, cá mòi đựng trong rổ đan, và ai ai đi chợ cũng cầm theo giỏ đựng của mình…
Và cô cũng khuyến khích những người xung quanh xây dựng một lối sống lành mạnh như vậy. “Chị hay tâm sự với cô phụ bếp, anh chàng bán trái cây hay bất kì người nào bán rong vỉa hè về tác dụng khôn lường của nhựa sử dụng một lần. Dần dà nói nhiều mọi người cũng nghe đấy!”

Ngoài việc là một tấm gương cho cộng đồng xung quanh cô, Đinh Nguyễn Kiều My cũng có những thần tượng của riêng mình. “Chị Hằng Mai, nhà sáng lập ra Xanhshop là người tiên phong ủng hộ nông nghiệp hữu cơ sạch không sử dụng hoá chất, đồng thời đề cao những sản phẩm nông nghiệp địa phương và thương mại trong và ngoài nước,” Cuối cùng, cô nói thêm “và tất cả những người đang thu gom túi nilon ngoài kia, mặc dù đó là công việc mưu sinh của họ. Họ xứng đáng là những người hùng thầm lặng của chúng ta.”
Lê Thuỳ Linh, sáng lập ra AYA

“Chắc là chị bị thu hút bởi những điều không thể,” Linh cười lớn. Cô mang niềm tin ấy đến AYA và cố gắng thay đổi thói quen tiêu thụ đồ uống của người Việt Nam. “Chị vẫn nhớ ngày hôm đó. Tự dưng chị thấy tội lỗi dã man – số lượng nhựa chị tiêu thụ đang dần “dìm chết” chị. Nhẩm tính lại, mỗi cốc cà phê takeaway, mỗi bữa ăn giao hàng tận nơi, dần nhân lên thật đáng kể. Và rồi lúc đó chị quyết tâm thay đổi – không phàn nàn nữa và bắt tay vào thực hiện công cuộc “cải cách”.”

AYA, thành lập vào năm 2018, ngày càng phát triển. Lúc đầu, công ty cung cấp bao bì diệt khuẩn cho nhà hàng và cafe. “Nhưng bọn chị nhanh chóng nhận ra giá cả quá cao cho những cửa hàng trung hoặc thấp cấp. Chị liên tục hỏi bản thân xem có cách gì thay thế điều này không…”
Và cuối cùng, Linh đã vận dụng kinh tế tuần hoàn, “sản phẩm được chế tạo một lần nhưng có thể dùng được hàng nghìn lần trước khi bị “tống” đến các nhà máy tái chế.” Từ tháng tư, công ty chuyển tên thành AYA Cup, chuyên cho mướn cốc dùng nhiều lần. Cô giải thích ý tưởng doanh nghiệp của mình một cách ngắn gọn “Với số tiền cọc 50,000 VND tại quán cafe, bạn có thể mang chiếc cốc theo mình, và khi đã dùng xong, bạn mang trở lại bất cứ địa điểm nào trong mạng lưới của bọn chị là được trả lại 100% tiền đặt cọc.”
Giống như Susanne Meletzki và Đinh Nguyễn Kiều My, Linh cũng công nhận những chuyển biến đáng mừng trong cuộc sống của chúng ta. “Việt Nam đang bước vào giai đoạn nhận thức, nhưng để thực sự hiểu sâu thì phải là bước tiếp theo.” cô chia sẻ. Cô cũng nhận thấy rất nhiều thương hiệu đang làm mới hình ảnh và giá trị cốt lõi của mình để hướng đến một môi trường xanh. “Để việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa rác thải đạt hiệu quả, người dân, doanh nghiệp và chính phủ cần thiết kế những cách tiêu thụ và sinh hoạt hợp lý, có hệ thống…”

Nhưng nhìn chung, cô tự hào về những thay đổi tích cực này. “Chị rất tự hào về người Sài Gòn (hay người Việt Nam nói chung) bởi những phẩm chất dũng cảm, dám nghĩ dám làm, dám thay đổi,” cô gật gù. “Nhà sáng lập tập đoàn phi chính phủ Change.vn, Hồng Hoàng, là một ví dụ điển hình. Dù chưa có dịp nói chuyện với cô ấy ngoài đời, nhưng chị luôn dõi theo cô ấy!” Khi chúng tôi chuẩn bị rời AYA Cup để rục rịch chuẩn bị cho chiến dịch #noplasticvember, cô nói thêm “Chị nghĩ, tất cả những người đang góp phần bảo vệ môi trường, dù nhỏ đến đâu, thay vì chỉ ngồi một chỗ đều là một anh hùng…”