There VND Then trên con phố Nguyễn Huệ là một tổ hợp nhiều cửa hàng đa dạng. Tiệm cắt tóc, không gian tổ chức sự kiện và cửa hàng dessert ngọt ngào. Nhưng trên tất cả là một khu vực trải nghiệm văn hoá vô cùng thú vị, được đích thân ba thành viên chủ chốt giới thiệu đến chúng tôi.
Đọc bài viết bằng tiếng Anh
“Mọi thứ tụ hợp lại một cách tự nhiên. Cửa hàng thời trang, tiệm cắt tóc, tiệm tráng miệng. Thời điểm hiện tại là thời điểm Việt Nam phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hoá và xã hội.” Đồng sáng lập sinh ra tại Montreal Boule Nguyễn khẳng định. Chúng tôi đang có dịp tham quan phòng trưng bày giày sneaker được trang hoàng lung linh như một phòng triển lãm nghệ thuật của There VND Then. International media ưu ái gọi There VND Then là “một bước ngoặt của thời trang Việt Nam.” Sự kết hợp của những sản phẩm nước ngoài như Common Projects, Filling Pieces và Raff Simons là minh chứng cho lời khen ngợi đặc biệt này.
There VND Then “chiếm” bốn tầng tại toà nhà 99 Nguyễn Huệ “thần thánh”. Tầng hầm là cửa hàng sữa chua đông lạnh Blackyard, tầng một và tầng hai đầy ắp shop quần áo, trang sức, tiệm cắt tóc và phòng trưng bày sneaker. Tầng trên cùng là Heights bar và không gian tổ chức sự kiện.
“Trợ giúp” đắc lực cho Boule ngày hôm nay là hai thành viên khác của There VND Then, Jimmy John Spicer là ông chủ tiệm cắt tóc, và Minoto Nguyễn, người quản lý mảng thời trang, âm nhạc và sự kiện tại The Heights. Mặc dù Huy, đối tác của Boule cũng góp mặt vào buổi phỏng vấn, song anh lại khá e dè góp mặt trong các bức hình của chúng tôi.
“There VND Then là một cửa hàng mang đến khái niệm về lối sống hiện đại,” Minoto vừa nói, vừa nhìn xung quanh đầy tự hào, “chúng tôi nỗ lực đáp ứng những nhu cầu cao cấp của khách hàng theo cách tinh tế nhất, bao gồm nghệ thuật, thời trang, lối sống và nhiều hơn nữa…”
Sự ra đời của There VND Then
Dù website chỉ khiêm tốn miêu tả There VND Then là “một concept store giữa lòng Sài Gòn”, nhưng khi bước lên những bậc thang dẫn lối tới đây, đằng sau cánh cửa ấy là một thế giới hoàn toàn khác. Kiến trúc neo-industrial hiện đại tinh tế. Nhân viên ăn vận cực phong cách. Và những thương hiệu quần áo, phụ kiện streatwear đầy cá tính.
Chúng tôi rất tò mò với cá tên There VND Then. Boule tự hào giải thích “Nó có nghĩa là trở lại, bao hàm tất cả các ý nghĩa của sự trở lại. Quay lại Việt Nam – ‘there’ và tại đúng thời điểm này trong lịch sử – ‘then’. Nó cũng ám chỉ chính nơi này, nơi những ý tưởng được nung nấu, những mối quan hệ được mở rộng, và bản thân mỗi thành viên luôn tràn đầy cảm hứng.”
Từ cả thập kỷ trước, ý tưởng này đến từ những chuyến đi “lùng sục” sneaker của Boule. “Lúc đó, những công ty sneaker chưa thắt chặt an ninh. Anh có thể tìm thấy những đôi giày Nike Alphabet Stabs hàng thật và còn chưa chính thức ra mắt quanh chợ Bến Thành,” Boule nhớ lại. Ngoài những kiến thức về giày thu thập được, Boule còn chiêm nghiệm được một góc nhìn mới mẻ về thị trường bán lẻ ở đây, “anh nhận ra những gì còn thiếu, ít nhất là theo ý kiến của riêng anh”.
Thời gian trôi đi, Boule tới thăm Việt Nam một lần nữa, tìm kiếm cơ hội mở một cửa hàng tại đây. Phút đề xuất ý tưởng There VND Then ngẫu hứng của anh với đối tác làm ăn mang hai dòng máu Đức-Việt, Huy từ một…bể bơi tại Bali là khởi đầu cho tất cả. “Một điểm lợi nữa khi bạn sống ở châu Á!” anh hóm hỉnh thêm thắt cho câu chuyện của mình. Không lâu sau đó, họ bắt tay vào thực hiện công cuộc tạo nên hình hài và trái tim cho There VND Then.
Blackyard và Tiệm cắt tóc
Đằng sau chiếc cầu thang đặc trưng của cửa tiệm là Blackyard. Là một cửa hàng tráng miệng, Blackyard phục vụ sữa chua đông lạnh và các món sữa lắc khác. Công thức được cả đội phát triển tại Đức – như sữa chua đông lạnh đen và sữa chua dừa. Những món nổi bật bao gồm Black Velvet, Matcha Colada, Black & Berry, Oreo Xoài…
Trên tay cầm món Black Velvets, chúng tôi bước vào tiệm cắt tóc. Jimmy John Spicer khơi nguồn cảm hứng cho chúng tôi về sợi dây liên kết giữa kiểu tóc và thời trang. “Kiểu tóc và phong cách ăn mặc phát triển theo nhiều hướng khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích là mang đến cho bạn một vẻ ngoài chỉn chu, tự tin hơn.”
Song tiệm cắt tóc này lại mong muốn mang đến một trải nghiệm khác lạ. “Cách tốt nhất để làm tốt hơn là làm việc có tâm. Khi một người thợ cắt tóc thực sự quan tâm đến diện mạo của bạn, anh ta sẽ làm nên sự khác biệt,” anh thêm vào. “Một khi đã thử thách bản thân với những kiểu tóc mới, là bạn đã khá hơn những người thợ cắt tóc khác rồi…”
Khu tổ hợp phong cách streetwear và văn hoá Việt Nam
Mức giá ở đây có khi cao ngất ngưởng – những đôi giày sneaker của Common Project rơi vào tầm 11 triệu VND và áo phông Mastermind World tầm 9 triệu đồng, nhưng Boule khẳng định không phải toàn bộ cửa hàng đều mang giá “khủng” như vậy. “Bọn anh không muốn loại trừ tệp khách hàng nào.” Có rất nhiều cửa hàng giá cả phải chăng, và cả team cũng có kế hoạch thu nạp thêm nhiều thương hiệu streetwear nội địa và quốc tế (bao gồm cả thương hiệu của riêng họ dẫu họ đang “úp úp mở mở” chưa sẵn sàng tiết lộ).
“Những chuyến thăm và trải nghiệm tại There VND Then không chỉ đem đến cho bạn những điều bạn đang tìm kiếm, mà còn khuyến khích bạn khám phá ra một điều gì đó mới mẻ bạn chưa từng thử nghiệm trong cuộc đời,” Boule cười. “Hi vọng ai tới There VND Then cũng đều cảm thấy như vậy…”
Sự kiện sẽ trở thành một phần quan trọng trong dự án mở rộng There VND Then, theo Mino Nguyễn (hay Minoto) chia sẻ. DJ Mino quay trở về Việt Nam từ Berlin, một thành phố mà Sài Gòn được cho là ngày càng có nhiều điểm chung. Nhưng Mino lại không đồng tình với quan điểm này. “Sài Gòn và Berlin về cơ bản chả có gì giống nhau. Berlin là thành phố của những kẻ nổi loạn, những người dân trí thức và nghệ sĩ, còn Sài Gòn nhộn nhịp, đầy ắp món ăn ngon và con người thân thiện với nụ cười luôn thường trực trên môi (không ai nở nụ cười ở Berlin cả). Hai thành phố đều có điểm thu hút riêng của nó. Berlin sẽ không bao giờ trở thành Sài Gòn và ngược lại, Sài Gòn cũng không bao giờ giống được Berlin cả.”
Mino sẽ là người chịu trách nhiệm chính tổ chức các sự kiện tại không gian rooftop The Heights. Ý tưởng cho năm đầu tiên là khuyến khích các nghệ sĩ quốc tế đến với “sân chơi” này để những người trẻ Việt được thoả sức sáng tạo, cộng tác và thể hiện mình. “Mục đích chính của bọn anh vẫn là tạo ra sự hợp tác, hoà nhập giữa hai thế giới,” Mino cười tâm đắc.
Photos by Khooa Nguyen and Nam Tran Duy.