Thật là một điều kì lạ khi món cà ri có thể len lỏi vào trái tim của những người Nhật Bản như Mayu. Cô ấy có một hàng ăn nhỏ xinh ẩn mình trong khu phố đèn đỏ và chỉ phục vụ một món duy nhất – cà ri gà. “Chủ nhật này bạn ghé lại nhé, tôi sẽ cho bạn thử món cà ri tôm mới này!” Mayu hào hứng gợi ý.
Read on in English
Cô ấy đặt tên cho nhà hàng nhỏ của mình là Ví Dụ chỉ bởi Mayu cảm thấy cách nó được phát âm rất thú vị và vui tai. Ở đây không hề có menu, mà tại sao lại cần menu khi quán chỉ bán duy nhất một món đúng không?
“Không gian của quán khá nhỏ nên tôi nghĩ mình nên chú trọng vào chất lượng món ăn hơn là sự đa dạng của nó,” Mayu cười.
Mọi thứ ở đây khá đơn giản. Khi bước qua cánh cửa chỉ mở trong hai tiếng rưỡi vào buổi trưa, thế giới riêng của Mayu như mở ra. Bạn kéo chiếc ghế gỗ mộc mạc ra và ngồi xuống, uống một cốc nước lọc mát lành và chờ đợi. Sau đó, món cà ri được mang ra.
Rồi Món Cà Ri Được Mang Ra
Đối với một nền ẩm thực truyền thống chỉ tập trung vào nguyên liệu tươi ngon tự nhiên, món cà ri đậm đà là một sự đối lập hoàn toàn với các món ăn Nhật Bản. Nhưng họ vẫn thích cà ri. Chỉ có điều, ở phiên bản này, nó không có vị như cà ri Ấn Độ cay nồng – cà ri Nhật thường ngọt hơn và không quá cay.
Có lẽ là vì khoảng 70 năm về trước, vào thời Minh Trị, món cà ri đã trở nên phổ biến ở Nhật khi nước này bước vào thời kỳ hiện đại hoá. Có thể người Anh đã mang món ăn này du nhập vào Nhật Bản. Và, giống như hầu hết mọi thứ, người Nhật liên tục cải tiến nó để phù hợp với khẩu vị cho đến khi món cà ri này trở nên phổ biến ngay cả ở những quốc gia khác. Chuỗi nhà hàng cà ri CoCo Ichibanya đã có khoảng 1,304 chi nhánh tại Nhật Bản và hơn 170 cửa hàng trên toàn thế giới.
Món cà ri của Mayu hơi khác biệt một chút. Nó không phải cà ri Nhật Bản, cũng không phải cà ri Ấn Độ. “Đó là món cà ri nguyên bản. Tôi xào hành tây thật kĩ và kết hợp với tỏi, gừng và gia vị để tạo ra món sốt cà ri độc đáo của riêng mình,” cô ấy nói với chúng tôi một cách tự hào và không tiết lộ quá nhiều.
Thu Hút Sự Chú Ý Của Những Người Ghé Ngang
Vidu Curry thường là một điểm thu hút sự chú ý của những người đi ngang qua nơi này. Chuyện gì đang diễn ra trong căn phòng nhỏ hơi trũng xuống so với mặt đường với quầy bếp nhỏ và chỗ ngồi cạnh cửa sổ này, nơi chỉ có Mayu và một nhân viên đang chuẩn bị những phần cà ri hấp dẫn tuyệt vời?
“Họ bán cái gì vậy nhỉ?” một du khách hỏi người bạn của mình, rồi ló đầu vào nhìn quanh căn phòng đầy những thực khách đang đợi món ăn của họ. “Chắc là cà ri gà?” bạn cô ấy trả lời.
Bạn phải thực sự tìm hiểu thêm bởi vì, bên cạnh đó, trên cửa sổ chỉ có một tờ giấy vẽ tay về thời gian mở cửa của tuần này, kèm theo một hình vẽ dễ thương.
Có Lẽ Là Do Định Mệnh
Ngay từ đầu, tất cả những điều này hoàn toàn không nằm trong kế hoạch của Mayu. Cô ấy đã sống ở Sài Gòn được một thời gian. “Để tôi nhớ lại xem…” Mayu nói thành tiếng. “Tôi đến đây vào năm 1997. Và tôi chưa bao giờ có ý định mở nhà hàng. Có lẽ là do số phận chăng?”
Và như vậy, dưới bóng của những tòa nhà văn phòng cao tầng ở khu vực trung tâm Quận 1, lạc giữa mê cung của những con hẻm nhỏ ở phố Nhật Bản trên con đường Thái Văn Lung, Ví Dụ ẩn mình khỏi sự hối hả và nhộn nhịp của Sài Gòn.
Tất nhiên, nơi đây cũng có khá nhiều nhà hàng Nhật Bản, vì vậy để nổi bật, Mayu chọn cách tạo nên một không gian có chút khác biệt – một quán ăn nhỏ ấm cúng kiểu Việt Nam.
Khi bước vào quán ăn, bạn sẽ trông thấy một hàng tô và dĩa bằng gốm sứ Việt Nam được bày biện gọn gàng ở quầy, những chiếc ly chấm bi đủ màu sắc và một vài ly bia Hà Nội màu xanh lơ bằng thuỷ tinh.
Chỉ có bốn chỗ ngồi ở gần bếp và ba chỗ ngồi gần cửa kính. Vì vậy nếu bạn đi cùng nhóm bốn người trở lên, bạn có thể chọn ngồi ở băng ghế bên ngoài quán ăn hay loanh quanh trong con hẻm nhỏ để đợi đến lượt mình.
Bên trong quán có cảm giác thư giãn và yên tĩnh dù có vị trí khá đặc biệt. Mayu thường im lặng khi làm việc. Thỉnh thoảng bạn sẽ chỉ nghe tiếng xèo xèo của sốt được làm nóng trên chảo, hoặc tiếng lách cách của tô và dĩa, nhưng mà sẽ chỉ là như vậy thôi, không có thêm tiếng ồn nào.
Cà Ri Ngon Nhất Trong Khu Vực
Mặc dù chưa bao giờ dự tính mở một nhà hàng – thậm chí là một quán ăn nhỏ như thế này – nhưng Mayu đã từng mở một quán cà phê trên đường Tú Xương, Quận 3. Và còn có một Vidu Curry khác ở Thảo Điền hiện đã ngưng hoạt động.
Món cà ri sẽ được đựng trong một chiếc bát sứ Sông Bé mộc mạc. Sẽ có một chiếc đùi gà mềm, mọng nước với một quả trứng chiên có lòng đỏ óng vàng phủ trên lớp cơm trắng mềm xốp. Và, cuối cùng, Mayu sẽ rưới ngập nước sốt cà ri đặc trưng lên món ăn và phủ đầy nó với hành phi thơm lừng, giòn tan trên cùng.
“Khách hàng nói món cà ri này có mùi vị không giống với bất kì thứ gì họ từng ăn trước đây,” Mayu mỉm cười.
Và rồi, từng chút từng chút một, quán ăn Ví Dụ và món cà ri độc nhất đã trở nên nổi tiếng nhờ được mọi người truyền tai nhau. “Thật đó,” cô ấy đồng ý. “Phần lớn khách đến quán đều là được bạn bè giới thiệu cho.”
Những vị khách hài lòng với trải nghiệm ăn uống ở Ví Dụ thường ủng hộ một số tiền nhỏ vào chú heo đất mà Miyu đặt ngay cửa ra vào. Mayu dùng tất cả số tiền này để giúp đỡ những em bé mồ côi. “Thường thì tôi sẽ nướng bánh cho bọn trẻ hoặc mua đồ dùng sinh hoạt cho chúng,” Mayu cười, tay ôm con heo đất nhỏ.
Một vài vị khách sẽ ghé lại hai hoặc ba lần một tuần. “Nhưng mà đừng quên quay lại vào Chủ nhật nhé,” Mayu nhắc chúng tôi. “Có khi là sẽ có cà ri hàu nữa đấy!” Và như vậy, cô ấy đóng cửa tiệm để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho ngày tiếp theo.