
“Techno mang tới cho anh một cảm xúc mạnh, giống như thử thách bản thân mình trước một điều gì đó, vượt qua được rồi thì cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Có thể hình dung tới cảm giác gay cấn giống như khoảnh khắc đua xe với adrenaline vậy.”
Read on in English
Tùng Tím đã xây dựng một nền văn hoá âm nhạc của riêng mình cách đây tám năm tại Hà Nội. Tùng Tím chơi techno/house vì nó “VUI!”, đó là thứ âm nhạc văn minh đem lại một nguồn năng lượng tích cực và khiến mọi người yêu đời hơn. “Anh thích sự nổi loạn, khác biệt. Anh không muốn đi theo một đám đông có sẵn mà muốn tạo ra những giá trị mới mẻ cho nền âm nhạc điện tử Việt Nam.” Đêm nhạc vui nhất mà anh từng chơi là ở Studio Adventure trong một cái bể bơi hút cạn nước ở Hà Nội, khá thú vị và đặc biệt.

Khi còn ở Hà Nội, anh hoạt động chủ yếu ở KUMQUAT TREE. Chuyển tới Sài Gòn, anh chơi nhạc ở BAMBAM, phong cách chơi nhạc của anh ở Hà Nội hay Sài Gòn không khác nhau nhiều, anh nghĩ nếu có khác hay không thì cũng do cách mình làm, với tâm thế luôn tìm kiếm sự đặc biệt, Tùng Tím luôn muốn làm mới âm nhạc của mình, quan trọng ở việc bản thân mình phải luôn biết làm chủ nó.
Tùng Tím mê âm nhạc từ nhỏ, hồi học lớp bốn nhà anh có cái đài sharp của Nhật, Bố anh có một chồng băng cassette nhạc disco, Bố Mẹ vắng nhà anh lén mời các bạn qua chơi, nhạc bật lên rồi gọi các bạn “Lên đây nhảy đi vui lắm!”, xong anh bổ dưa hấu cho các bạn ăn với nhảy một giờ đồng hồ. “Anh chỉ nghĩ đơn giản là mình muốn làm các bạn vui thôi, vì bản chất trẻ con vốn hiếu động mà”. Lên lớp bảy hay xem MV ca nhạc trên tivi và nu metal như Linkin Park hay Slipknot, trong band sẽ có một người DJ chính điều chỉnh âm nhạc, anh nghĩ mình cũng muốn như vậy.
Bản ghi âm mixtape đầu tiên của anh là vào năm 2012, anh ghi âm bằng Pioneer CDJ & DJM. Tên “Tùng Tím” là khi anh mới bắt đầu chơi DJ lấy tên là “Purple T “, sau này bạn anh góp ý người Việt Nam tại sao không lấy tên Tùng Tím, anh thấy hay nên dùng tên đó đến tận bây giờ luôn.
Âm nhạc đối với anh rất quan trọng, anh nghe nhạc mọi nơi, từ lúc thức dậy cho tới khi đi ngủ, lúc ăn anh cũng nghe nhạc “Người yêu anh có thể không có, nhưng âm nhạc thì không thể sống thiếu”. Ít ai ngờ rằng một DJ chơi nhạc techno/ house lại được nuôi dưỡng bởi âm nhạc truyền thống dân gian và nhạc cổ điển. Sau những giờ chơi nhạc căng thẳng, thứ âm thanh tâm hồn đó giúp Tùng Tím lấy lại sự cân bằng cảm âm và giúp đôi tai anh được thư giãn. Một trong những nghệ sĩ mà anh yêu thích là J.S.BACH.

Theo Anh thể loại nào mang lại sự tích cực ? Thể loại nhạc nào mang lại cảm giác tiêu cực?
Âm nhạc mang lại sự tích cực với anh luôn luôn là nhạc cổ điển, giao hưởng thính phòng và nhạc dân tộc. Còn âm nhạc tiêu cực thì là nhạc thể nghiệm experimental music.
Anh sẽ nghe thể loại nhạc nào khi không có ai bên cạnh?
Nhạc 70s, 80s, Việt Nam – Pháp và nhạc tình ca cũ.
Nếu miêu tả âm nhạc của Anh bằng một từ ngữ, theo Anh đó là gì?
“Mọi người nói âm nhạc của anh sexy chứ anh không tự nhận nhé, haha.”
Anh sẽ chọn bài hát nào làm nhạc nền cho đám cưới của mình? Còn đám ma thì sao?
Không cần suy nghĩ, Tùng Tím có luôn câu trả lời: “Đám cưới anh sẽ bật Dmitri Shostakovich – Waltz No.2, còn đám ma thì Beethoven – Ode to Joy”.
“Anh chọn hai bài này vì lịch sử họ ngoại nhà anh hồi xưa làm cho vua Lê, họ nội làm quan thời nhà Nguyễn. Nên dù đám cưới hay đám ma thì cũng sẽ như một quý tộc.”

Âm nhạc cổ truyền Việt Nam anh hay nghe cụ thể là nhạc gì?
Nhạc ca trù Thăng Long. Bởi nó giúp cái tâm sâu lắng, tĩnh tại, thay vì nói thì ta lại suy ngẫm nhiều hơn. “Nó tạo ra một không gian riêng vô hình, cảm nhận được trong tâm, giống như một mùi hương…”
Với anh, phần thưởng lớn nhất mà âm nhạc có thể đem lại cho anh là gì?
“Có lẽ là niềm vui của mọi người, giống như ước mơ hồi bé của anh vậy, chỉ đơn giản thế thôi!”
Và cuối cùng, hãy miêu tả bản mix anh đã chọn cho The Dot Magazine!
Quay về dòng ký ức tuổi thơ anh là những bộ phim và câu chuyện cổ tích đầy phép màu với Albert W.Ketelbey – In a Persian Market, nó mang tới sự mộng mơ, tin vào những thứ tươi đẹp. Bản Piero Umiliani – Risaie thôi thúc mong muốn không ngừng khám phá và trải nghiệm thế giới đầy sắc màu, rất nhiều điều thú vị và mới mẻ, và sau những vấp ngã sẽ là những bài học mang giá trị vĩnh cửu.

Bố anh từng đi chiến tranh, bài hát Khachaturian – Masquerade Suite giống như một nét lịch sử trong anh. Mẹ anh luôn dạy dù sống hay chết thì cũng phải đứng thẳng và hiên ngang. Một chút kí ức về ông ngoại và các bác anh mỗi khi nghe Sylvie Vartan – La Plus Belle Pour Aller Danser, nó cứ văng vẳng trong cả tuổi thơ mà anh cũng không nhớ mình đã từng nghe nó khi nào.
Đây là bài tập piano hồi nhỏ của anh Paganini – Caprice No. 24, nó đòi hỏi kỹ thuật rất cao, đồng thời ảnh hưởng rất nhiều tới âm nhạc của Tùng Tím. Đã nhiều khi anh muốn từ bỏ việc học này, nhưng nhìn lại những cố gắng khiến bản thân phải bền bỉ để tiếp tục.
Lúc trẻ con anh không thích đi ngủ sớm, nên những buổi đêm muộn khi tất cả mọi người đi ngủ thì anh mở VTV1 nghe nhạc Rachmaninov – Prelude in G minor đến hết chương trình rồi mới đi ngủ.
Đã là người Hà Nội thì phải nghe ca trù Tây Hồ hoài cổ do ca nương Kiều Anh trình bày, tưởng tượng thấy mùi hương của những ngôi nhà cổ ngày xưa, bình yên chỉ nghe tiếng quạt trần, hay tiếng những trang báo đang được lật, đó là một sự hưởng thụ rất nhẹ nhàng và bình yên. Hay với Hương Ngọc Lan do Mỹ Linh trình bày là một thứ tình cảm nhẹ nhàng nhưng đầy chất thơ với mùi hương ngọc lan nồng nàn và đầy lưu luyến.
Mỗi khi được nghỉ học anh hay trốn sang nhà bạn chơi, bầu trời của Tuổi Mộng Mơ, hồn nhiên với anh rất đẹp, anh ngửa mặt lên trời nhẩm hát bài này trên cả quãng đường 5km sang nhà bạn, nghĩ về tương lai và điều mà mình muốn.
Ngoài bữa tiệc cùng với những người trẻ, Henry Mancini – Dancing Cat và Paul Mauriat – Brasilia Carnaval là thứ âm nhạc cho những buổi tiệc tùng cùng những người bạn già của Tùng Tím.
Một lời nhắc nhở về thời gian cùng Dòng Sông Lơ Đãng – Thu Phương, sẽ có đôi lần ta tiếc nuối về những gì đã qua, nhưng dù là điều mình muốn thì hãy thực hiện nó, sẽ chẳng bao giờ là muộn một khi đã bắt đầu.

Tình yêu giống như Francoise Hardy – Comment te dire adieu luôn rất đẹp, với sự thăng hoa và sâu lắng, chậm rãi và tan chảy cùng giai điệu. Hay chỉ đơn giản là nhớ về những kỉ niệm đẹp nhất với đam mê cháy bỏng.
Ai cũng sẽ có những khoảng thời gian đau khổ và buồn, bài hát Franz Liszt – La Campanella luôn hợp với tâm trạng buồn của anh, sẽ có những lúc rất cô đơn, nhưng nó lại mang một nét đẹp riêng, mỗi khi nghe bài hát này Tùng Tím thấy như có tâm hồn mình ở trong đó.
Cuối cùng, sinh mệnh con người chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ, chết đi lại trở về là cát bụi. Bản nhạc Albinoni – Oboe Concerto #2 in D Minor Op. 9 là một giai điệu sang trọng giúp Tùng Tím đạt được sự cân bằng đỉnh cao, một cảm giác “sướng” không gì có thể thay thế được.
Nghe nhạc của Tùng Tím trên Soundcloud tại đây. Hình ảnh bởi Khooa Nguyen và video được thực hiện bởi Jerry Tuan Tran và Johnny Viet Nguyen.