
Joanik Bellalou – nhiếp ảnh gia 27 tuổi người Pháp, bên cạnh đó, anh còn là thầy giáo dạy tiếng Anh và Pháp ở các trường tiểu học trong khu vực. Trong suốt hơn 3 năm sinh sống tại Sài Gòn, những khu chợ ở quận 5, quận 8 và Gò Vấp đã trở thành những điểm đến yêu thích của anh. “Tôi cố gắng hết sức để khắc họa những gì tôi thấy đặc biệt ở Sài Gòn, có thể là chân dung, hoặc một cảnh tượng thú vị mà tôi bắt gặp được ở trên đường”.
Read on English
Vào một buổi chiều tháng 3 oi bức, Joanik đã hẹn gặp chúng tôi tại khu chợ An Đông, một trong những khu chợ truyền thống lâu đời tại Sài Gòn, cũng là nơi anh sinh sống. Xuất hiện với một chiếc áo sơmi trắng, một chiếc máy chụp hình đeo sau lưng, một đôi boot Palladium cùng với gương mặt ửng đỏ vì nắng gắt, Joanik tỏ ra khá ngại ngùng khi chúng tôi hỏi xin chụp ảnh. Sau một hồi trò chuyện, anh bắt đầu tỏ ra hứng thú hơn, và bắt đầu dẫn chúng tôi đi khám phá từng ngóc ngách của khu chợ An Đông, nơi mà anh quá đỗi thân thuộc.

Được biết, Joanik bắt đầu hành nghề nhiếp ảnh từ vài năm trước với một chiếc máy ảnh phim dùng 1 lần (disposable camera). “Tôi đã nhìn thấy những chiếc máy ảnh dùng một lần trên Facebook và nghĩ rằng nó trông rất tuyệt”, anh cho biết. Hai năm sau đó, Joanik đổi sang chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số và bắt đầu với chiếc Canon-AE1, một loại máy ảnh đơn giản cho những người mới bắt đầu. “Trước đó, tôi thường chụp ảnh film nhưng chẳng ra gì, có khi còn làm hỏng cả cuộn film bởi sai lầm ngớ ngẩn. Sau đó tôi chuyển sang chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số, bạn có thể chụp bao nhiêu tùy thích và cảm giác ấy thú vị hơn gấp 10 lần”, Joanik chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi đến điều gì thôi thúc anh đến với nghề nhiếp ảnh này, anh cho rằng nó là một phương tiện để bộc lộ những cảm xúc của bản thân một cách dễ hiểu nhất, cũng như truyền tải những câu chuyện thú vị về cuộc sống đến cho mọi người. Dạo quanh các khu chợ quận 5, quận 8 hay Gò Vấp, bạn có thể bắt gặp hình ảnh một chàng trai người Pháp đi lang thang trên đường, hay đang ngồi nghỉ ngơi bên vỉa hè với ly trà đá. Joanik thường không đặt ra bất kì một mục tiêu nào cho buổi chụp ảnh của mình, tất cả đều dựa vào sự may mắn, “chụp ảnh cũng giống như trò chơi xổ số, đôi khi tôi đi cả ngày nhưng thu được gì”, anh chia sẻ, “bạn càng ở trên đường nhiều, xác suất bạn tìm thấy thứ gì đó thú vị càng cao”.

Phong cách chụp ảnh mà Joanik theo đuổi hoàn toàn khác biệt so với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà bạn thường thấy. Thay vì chụp những bức ảnh hào nhoáng, Joanik lựa chọn ghi lại những khoảnh khắc đời thường nhất, thú vị nhất mà anh bắt gặp trong những buổi đi dạo quanh thành phố của mình, và gọi đó là ‘street photography‘. Ngoài ra, anh cũng tỏ ra rất hứng thú với tác phẩm của những nhiếp ảnh gia Việt Nam, “Tôi thích các tác phẩm của Minh Phạm, anh ấy rất biết cách sử dụng hiệu ứng của đèn flash để bức ảnh của mình trông nghệ thuật và tuyệt vời hơn”, Joanik chia sẻ.
“Tôi luôn cố gắng không ‘đóng khung’ hình ảnh Việt Nam qua những nón lá truyền thống hay những thứ rất đặc trưng như quán phở. Cũng như nếu một số người nước ngoài đến Pháp và chỉ chụp ảnh bánh mì baguette và tháp Eiffel, nó sẽ rất nhàm chán”, Joanik cười nói. Tỉ như bức ảnh ghi lại hai tập hợp các nhân vật khá đối lập này mà Joanik vô tình chụp được ở một lễ hội cosplay Nhật Bản ở quận 5, “tôi rất yêu thích các lễ hội cosplay, ở đó tôi có thể làm quen được những người bạn thực sự tuyệt vời”.

#1 Cheerleader
Điều khiến bức ảnh này trở nên đặc biệt trong mắt Joanik đó chính là hiệu ứng đèn flash và cảm giác siêu thực mà nó tạo ra. Bức hình ghi lại cảnh các hoạt náo viên đang luyện tập tại công viên Thanh Đa, nơi Joanik thường lui tới một mình hoặc cùng bạn bè của anh vào chủ nhật hàng tuần.

Tuy nhiên giờ đây, công viên đã được xây dựng lại với những khối bê tông ở khắp mọi nơi, và bạn sẽ không còn bắt gặp được những khung cảnh thú vị này nữa. “Thật buồn vì nơi đây từng là chốn yêu thích của tôi, cùng với những chú bướm xinh đẹp và bây giờ nó là một công viên bình thường như mọi công viên khác”, Joanik chia sẻ.
#2 Người dân lao động ở khu Chợ Lớn
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc khi những công nhân ở khu Chợ Lớn được nghỉ vào cuối ngày. Nói cách khác, đó là cảnh tượng rất bình thường ở Sài Gòn. Theo Joanik, bức ảnh này đẹp vì bố cục và cách sử dụng đèn flash, cũng như cách mà người phụ nữ nhìn vào ống kính của anh.

“Tôi thích khi mọi người thách thức tôi chụp ảnh hơn là thực sự tạo dáng cho tôi”, anh chia sẻ. “Khi tôi chụp bức ảnh này, họ nói với tôi rằng nó không đẹp và tôi chỉ đơn giản nói ‘nếu không đẹp, thì không chụp đúng không?'”. Đó cũng chính là câu nói của anh mỗi khi có người than phiền về bức ảnh mà anh chụp.
#3 Trường học
Đây là ngôi trường tiểu học nơi Joanik đã từng dạy. Anh thường thích đi xung quanh và ngắm nhìn những đứa trẻ trong giờ giải lao, “chúng chắc chắn sẽ cho tôi đồ ăn miễn phí và thật là vui khi được ở cạnh trẻ em”, Joanik cười nói. Chúng ta thường quên mất thời gian đi học như thế nào, mỗi khi nhìn lại bức ảnh này, anh cảm thấy rất thú vị may mắn vì đã có cơ hội để trải nghiệm những điều thú vị này.

Bên cạnh bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hồn nhiên thời thơ ấu này, nó còn là khoảnh khắc trước kỳ nghỉ hè… và trước khi đại dịch COVID sắp xảy ra khiến trường học đóng cửa cho đến tháng 2 năm 2022…
Theo dõi Joanik Bellalou trên Instagram. Hình ảnh được thực hiện bởi Nghĩa Ngô.