Tôi được Dot Magazine phỏng vấn vào tháng 2 năm nay với tư cách là thư kí tòa soạn tạp chí Harper Bazaar và Giám đốc khu vực của Rothschild Estates. Tôi đã nghĩ, chẳng có lý do gì để không hỏi chính David Kaye – người chuyên đi hỏi người khác – một vài câu hỏi cả…
Read on in English
David Kaye và tôi có rất nhiều điểm chung. Cả hai đều sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nước Anh vốn nổi tiếng bởi môi trường khá khắc nghiệt trước khi bắt đầu cuộc hành trình dài hơi của mình ở Châu Á. David bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực xuất bản giáo dục ở Hồng Kông và Nhật Bản và đã có nhiều buổi hướng dẫn ở khắp châu Á như Seoul hay Tokyo, hay thậm chí ở những khu vực thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị như Sri Lanka và Bangladesh.
David đến Việt Nam sau đó để làm việc cùng một trong những nhà xuất bản lớn nhất thế giới, Pearson, đồng thời góp mặt trong một dự án triển khai sách giáo khoa của Bộ Giáo dục, đây cũng là khoảng thời gian anh nhận ra mình muốn làm gì và bắt đầu “rẽ lối” để trở thành Tổng biên tập cho tạp chí online của AnyArena và Vietcetera trước khi có được bến đỗ của mình ở Wink Hotels. Một trong những dự án đầu tiên của anh ở đây chính là tạp chí The Dot Magazine.
Wink Hotels hứa hẹn là một trong những khách sạn độc đáo và hiện đại nhất Việt Nam, tôi nghĩ David thực sự là một trong những kẻ tiên phong trong ngành công nghiệp của chúng ta. Tiếp tục đam mê và tiếp tục sáng tạo là cách David truyền cảm hứng tích cực đến ngành dịch vụ và lĩnh vực phong cách sống ở Việt Nam và góp phần thúc đẩy vị thế của nó đến tầm cao hơn…
Anh sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nước Anh, có giá trị nào anh còn lưu giữ từ tuổi thơ của mình?
Đầu tiên, rất tiếc tôi phải khẳng định rằng không phải người Anh nào cũng sống cạnh cung điện Buckingham Palace đâu nhé. Nơi tôi sinh ra và lớn lên có nhiều điểm khá mâu thuẫn: một thành phố công nghiệp khắc nghiệt cho dân lao đông, được bao bọc bởi vẻ đẹp thơ mộng của vùng đồng quê Yorkshire và những ngôi làng cổ như York. Nền văn hóa cũng rất đặc thù, nơi người ta thích tự mỉa mai mình hơn là bộc lộ cảm xúc cá nhân. Tham vọng và sự cứng đầu của tôi đến từ đó, một kiểu thái độ bạn sẽ tìm thấy ở những nhóm indie đến từ đây như Artic Monkeys hay Oasis…
Anh có rất nhiều kinh nghiệm giảng dạy và phát triển, công thức để truyền cảm hứng đến người khác có thể là gì?
Chúng tôi đã thử nghiệm trong suôt 8 năm, 14 quốc gia ở những hội nghị có mặt hàng tram con người, tôi đi đến kết luận rằng con người là những sinh vật học tập. Chúng ta học một một cách tự nhiên và liên tục. Chúng tôi muốn mọi người có thể học cùng nhau bằng việc mang đến những điều kiện phù hợp. Những nhà giáo dục và vị sếp tốt là người có thể kiến tạo những điều kiện này.
Wink Hotel có điều gì đặc biệt mà những nơi khác không có?
Dự án này hướng đến gây dựng thương hiệu khách sạn đẳng cấp quốc tế nhưng hoàn toàn Made in Vietnam. Chúng tôi đã nghĩ về trải nghiệm trong khách sạn, loại bỏ những điều khách hàng không cần và tăng thêm những thứ họ muốn. Không gian làm việc sẽ được thay thế bằng không gian làm việc chung Toong , buffet bữa sáng bao gồm nhiều món ăn đường phố kinh điển, sảnh khách sạn có không gian cởi mở hơn để kết nối và hỗ trợ mọi người. Đặc biệt toàn bộ quá trình check-in và check-out sẽ được tự động hóa để khách nghỉ có thể cứ thế lên phòng cũng như rời khỏi khách sạn.
Tôi cũng rất thích vị trí của khách sạn, ngay trung tâm quận 1 khu Đa Kao. Tôi rất thích khu vực này vì có nhiều quầy bar cocktail hay ho như Baron Bar hay ATM Cocktail Bar and Kitchen (bạn phải đi vào 1 cái ATM để đến được nó). Rehab Station và Tê Tê TapHouse cũng là điểm đến không thể bỏ lỡ nếu bạn muốn uống craft beer. Nếu muốn có bữa brunch ngon miệng, bạn cũng có thể tìm đế Vintage Emporium. Còn nếu nghiện cà phê, Cafe Yen ở giữa lòng sân vườn ngay gần đó. Ngoài ra Galerie Quỳnh là điểm dừng chân lý tưởng nếu bạn muốn có khoảng thời gian cho nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Tất cả đều rất gần với khách sạn, điều này theo tôi là điểm đặc biệt khác chỉ Wink mới có. Chúng tôi muốn khách hàng có thể tự khám phá những điểm đến này. Tuy nhiên, nếu họ muốn ở trong khách sạn, quầy bar của chúng tôi ở ngay góc đường Nguyen Binh Khiem và Nguyen Van Thu sẽ chào đón tất cả mọi người với những cốc cà phê nitro cold brew, cocktails hay một ly rượu vang đỏ.
Thú vui khám phá nhà hàng và khách sạn của anh đến từ đâu?
Phần lớn là do ăn may đấy. Những người tôi từng phỏng vấn, đặc biệt là đầu bếp rất hay gợi ý những nơi thú vị cho tôi. Gần đây nhất Pedro ở Kiba Sài Gòn giối thiệu Bún Thịt Nướng Kiều Bảo trên đường Đề Thám, Peter Cuong Franklin từ Anan và Nhau Nhau giới thiệu cho tôi món bún mắm- đây đúng là kiểu ẩm thực đường phố chính thống ở ngay cạnh lunch lady trên đường Tôn Thất Đạm.
Dù vậy, đúng là tôi luôn thích rong ruổi khám phá những nơi chốn ẩn mình, như việc tìm thấy một chiếc đĩa than cũ rích ở tận cuối hộp trong một cửa hàng vậy. Ở Hồng Kông, một thợ cắt tóc tên Benky mở quầy jazz ngay trong chính tiệm cắt tóc của mình Visage One nằm khuất trên phố Hollywood, quầy bar tất nhiên chỉ thỉnh thoảng được mở vào Thứ Bảy. Đây là bí mật chỉ người địa phương và ai quen anh ta mới biết – nhất là khi nó mới được mở. Tôi thích chỗ đó! Anh ta thường mời đủ thể loại nhạc sĩ, salon nhỏ ấy thường chật kín người như vậy. Càng về đêm nhạc càng lớn và những màn biểu diễn càng thêm cuồng nhiệt. Tôi nghĩ anh ta trả công nhạc sĩ bằng rượu vang – môi anh ta lúc nào cũng hơi ánh đỏ do uống nhiều rượu. Anh ta thường sẽ bắt đầu lắc hông nhún nhảy một chút từ quầy thu tiền như thể đang thưởng thức chính bữa tiệc do mình tạo ra vậy. Sau đó tôi luôn phải tìm ra cho bằng được những nơi mới mẻ như vậy ở mỗi nơi tôi đến. Đam mê và sự nghiệp cũng từ đó mà ra.
Ý tưởng về The Dot Magazine đến từ đâu?
Dự án Wink Hotels mang đến cho tôi nhiều thử thách khá lạ lùng. Làm sao để nói về một thương hiệu khách sạn khi nó thậm chí còn chưa có hình thù cụ thể gì? Vì thế tạp chí này sẽ thay thế nó trở thành một khách sạn số. Những người chúng tôi phỏng vấn đại diện cho kiểu khách sẽ đến khách sạn của chúng tôi, họ đến từ rất nhiều nền tảng khác nhau. Và nội dung tạp chí cũng phải có chất lượng cao, để người đọc có hứng thú khi khách sạn chưa mở, và có giá trị hơn cả một khi khách sạn đầu tiên mở cửa.
Chúng tôi làm điều này bằng cách xây dựng nội dung bài viết thành chuỗi bài có concept đặc biệt. Tôi ghét nhất việc đến một thành phố mới và bị chỉ đến những địa điểm hay nhà hàng toàn khách du lịch. Ngược lại nếu ai đó tôi tin tưởng gợi ý thì cảm nhận của tôi về thành phố đó có thể thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, chúng tôi phỏng vấn tất cả mọi người, từ blogger ẩm thức đến đầu bếp, từ nghệ sĩ drag đến người mẫu, để tìm hiểu về những nơi họ đến. Dù là một vị khách hay sống ở đây, bạn hoàn toàn có thể đọc bài viết và khám phá lịch trình của người khác – một người cũng giống với bạn.
Điểm đột phá thực sự là việc tạp chí này sẽ kết nối với chỉ dẫn khách sạn. Sau khi quẹt mã QR đến chỉ dẫn phòng, khách nghỉ có thể tiếp cận một bản đồ đường chạy quanh Sài Gòn, những playlist nhạc họ có thể bật trong phòng, hay gợi ý tour đến những quán bar hay ho. Đó cũng là những trải nghiệm tôi muốn có khi ở khách sạn, chỉ dẫn từ những người dân địa phương khi tôi mới đặt chân đến thành phố đó.
Tất nhiên tạp chí này chỉ là phần tiền đề nho nhỏ cho tham vọng mang lại cuộc cách mạng cho ngành khách sạn dịch vụ ở Việt Nam.
Anh chọn chủ đề để viết thế nào?
Thử thách lớn nhất khi viết về những địa điểm mới cũng là thử thách kinh điển người viết bài review nào cũng mắc phải. Bạn có muốn viết về nơi bí mật đó nếu biết rủi ro cao là tính bí mật sẽ chẳng còn nữa. Hay bạn muốn giữ nó cho riêng mình? Thường thì tôi luôn muốn ích kỉ một chút nhưng cuối cùng lại quá hào hứng khi khám phá nó, rốt cục vẫn phải viết về nó hay kể về nó… hoặc cả viết cả nói.
Anh còn nhớ bài viết đầu tiên của mình?
Tôi là một người viết tình cờ. Người đầu tiên nghĩ tôi có thể viết là giám đốc sáng tạo và là người sáng lập AnyArena, tạp chí về nightlife ở Sài Gòn. Họ nói cha nào con nấy đúng là không sai. Điều này cũng có thể áp dụng với một cuốn tạp chí và biên tâp của nó. Sống động và có định hướng cụ thể hay ngớ ngẩn và vô hồn… phụ thuộc vào người làm ra nó. AnyArena chắc chắn là trường hợp đầu tiên. Cô ấy vừa giống Absolutely Fabulous lại vừa giống Anna Wintour, đặc biệt rất giỏi châm biếm người ta trừ khi bạn phải là bạn thân của cô ấy. Tôi là ngoại lệ vì kể cả khi làm việc cùng cô ấy, chúng tôi vẫn châm chọc nhau như thường.
Quay trở lại chuyện viết lách. Tôi thích viết từ rất lâu rồi, nhưng cứ khi nào thử viết – hoặc mở sổ tay hoặc tạo văn bản Word – tôi không hài lòng với tất cả. Sau khoảng 1 năm bị thúc giục viết cái gì đó cho AnyArena, tôi cuối cùng cũng quyết định mình nên thử thôi, dù chẳng thực sự tin rằng mình sẽ viết được thứ gì đó nên hồn.
Sau khi ghé thăm một sushi bar có tên Doraku và trò chuyện với chủ nhà hàng Aoki, tôi chạy vòng quanh trên chiếc Vespa cũ rích của mình. Từ ngữ chạy vòng quanh trong đầu tôi cho đến khi nó thành một câu hoàn chỉnh, tôi bắt đầu tạo ra những câu tiếp theo, tiếp theo nữa… tất cả đều diễn ra trong đầu tôi. Rồi tôi chạy ngay về nhà và viết chúng thành một bài viết hoàn chỉnh. Cảm giác lúc ấy rất tuyệt, tôi gửi nó đi và rất may không bị chỉnh sửa gì nhiều.
Buổi hôm đó đã thay đổi tất cả, tôi bắt đầu việc viết lách và trở thành tổng biên tập 3 tạp chí trước khi bắt đầu làm việc với Wink. Điều này khiến tôi nhận ra 2 điểm: tất cả chúng ta đều có khả năng đạt được những điều không thể, và làm nó thế nào mới là câu hỏi khó.
Bài phỏng vấn của mình mà anh tâm đắc nhất là gì?
Ở thời điểm đó, không có tạp chí nào giống như vậy ở Việt Nam. Vì thế chúng tôi có có cơ hội thực hiện những bài phỏng vấn độc quyền với nhiều nghệ sĩ và cộng đồng sáng tạo quốc tế khi đến Việt Nam cũng như nhiều người trẻ tài năng.
Tôi đã phỏng vấn đạo diễn Kong: Skull Island là Jordan Vogt-Roberts trên tầng thượng nhà hàng Anan, nhóm indie Anh The Cribs and The Vaccines, Kim Lee – người mẫu và DJ Hollywood và Kim Lý, diễn viên- nhà sản xuất khi mới hoàn thành vai diễn trong phim Hương Ga. Tôi cũng phỏng vấn Goldie, một DJ trống và bass và đồng thời là thần tượng hồi nhỏ của mình ở một căn phòng phía sau club. Đó là kỉ niệm đáng nhớ, được nghe thần tượng của mình kể về đủ thứ chuyện, nhất là những bóng hồng cũ như Naomi Campbell hay Björk. Tất nhiên những chuyện này không thể lên báo được.
Tôi phỏng vấn Peking Duck – nhóm song ca người Úc ở trong một cung điện ở Quận 9, và trò chuyện với thành viên nhóm indie người Mỹ Mac DeMarco khi anh ấy đang chờ thành viên nhóm nhạc của mình đến ở phòng khách sạn ở Tokyo.
Với Vietcetera, tôi không chỉ phỏng vấn mà còn tổ chức nhiều sự kiện, chúng tôi có ý tưởng trao thưởng online cho nhà hàng và quán bar vào năm 2018 – một kiểu bình chọn online kèm một số bài viết – ý tưởng này nhanh chóng biến thành sự kiện thực sự: có người thắng cuộc, cúp hình bánh mì… đủ thứ cả. Sự kiện đó thu hút 250 người, và tôi rất mừng vì mới gần đây sự kiện lần thứ hai được tổ chức. Nhưng lần đầu tiên lúc nào cũng có nhiều tranh cãi. Ở một quốc gia tự hào về nền ẩm thực của mình như Việt Nam, ý kiến về ẩm thực luôn rất đa dạng. Nhưng tôi thích kích động ý kiến, vì càng có nhiều cuộc tranh luận thì tờ báo sẽ càng được biết đến. Tôi nhớ Firkin, Qui và 2 Lam Sơn được trao giải Best Bar, về nhì gồm có Drinking & Healing và Rabbit Hole. Anan là nhà hàng thắng giải và đầu bếp thắng giải đến từ Quince- Julien Perraudin. Giải thưởng thiết kế xuất sắc nhất được trao cho Renkon.
Một sự kiện khác là buổi đấu rap do Wowy chủ trì. Trần Gia Hảo đã hỏi tôi có muốn tổ chức show này ở văn phòng làm việc trên đường Lê Thánh Tôn không? Vậy là cuối cùng chúng tôi chào đónWowy, Wean, Datmaniac, Trần Gia Hảo, Usagi, Ricky Star, NVM và SMO ở một căn phòng trần cao trong văn phòng của mình. Chất lượng âm thanh hôm đó không được tốt lắm và không một ai có thể gọi đúng tên tạp chí, nhưng khi đứng sau ống kính camera lắng nghe họ, tôi có cảm giác đó chính là khoảnh khắc đặc biệt, riêng tư và văn hóa.
Dù khách mời nhìn có vẻ rất bặm trợm, đầy hình xăm trổ, mặc đồ kiểu đường phố, vừa uống rượu whisky vừa hút thuốc, nhưng cuối cùng tất cả ở lại để dọn dẹp căn phòng và xin lỗi chúng tôi liên tục vì đống tàn thuốc. Tất nhiên giờ tất cả họ đều nổi tiếng, nhất là sau hai show đình đám như Rap Viet và King of Rap.
Làm thế nào để có một câu hỏi phỏng vấn hay?
Tôi thường bắt đầu bằng một thứ gì đó gây chú ý. Nhiều nhân vật hay bị hỏi đi hỏi lại cùng kiểu câu hỏi… họ cũng mệt khi phải trả lời chúng. Một câu hỏi sắc bén hơn sẽ là khởi đầu hoàn hảo cho bài phỏng vấn. Tôi hỏi nhóm nhạc the Cribs họ đã từng bị nhầm với nhóm mafia Cribs bao giờ chưa, đúng là họ từng bị nhầm rồi. Hoặc tôi đã từng hỏi Wowy một câu chơi chữ tiếng Anh có liên quan đến nghệ danh của anh ấy. Tất nhiên anh ấy chẳng hiểu tôi đang nói gì.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhân vật suy nghĩ bằng những câu hỏi khiến họ phải phân tích, cân nhắc, so sánh, đánh giá và sáng tạo. Tất nhiên không dễ để hỏi những câu như vậy. Nếu bạn là người yêu thích nhân vật chính mình đang phỏng vấn, bài phỏng vấn cũng có thể đi quá xa so với yêu cầu của bài viết. Nhưng tờ báo và câu chuyện nên được ưu tiên trước. Nếu câu trả lời không đủ hay, hãy hỏi câu hỏi hay hơn. Hãy thúc đẩy và khuấy động cho đến khi bạn có câu chuyện.
Vì điều này, nhiều người tôi từng phỏng vấn giờ trở thành những người bạn thân thiết, bởi chúng tôi thường đi rất sâu vào những trải nghiệm của họ và gắn bó cũng vì vậy: mỗi người một vẻ: diễn viên, đầu bếp, bartender, DJ và chủ club. Tôi trân trọng tình bạn, ý tưởng và lời khuyên từ họ.
Cách anh làm để phát triển một tạp chí là gì?
Mạng internet giờ có quá nhiều đến thừa mứa nội dung, hầu hết đều giống nhau và chẳng có giá trị gì mấy. Nội dung hay nên mang lại điều gì đó độc đáo và mang tính trải nghiệm và chân thực với cuộc sống. Một đầu bếp sẽ nghe kiểu âm nhạc gì? Đầu bếp nổi tiếng nhất Sài Gòn sẽ trò chuyện về điều gì nếu gặp nhau? Nhiếp ảnh gia đó đã chụp bức ảnh Sài Gòn đó thế nào? Có gì trong túi của một influencer? Một tour đi bộ vòng quanh những quán bar ở trung tâm sẽ như thế nào?
Sau đó bạn sẽ thấy nội dung đắt giá hơn hẳn. Người ta chia sẻ về những thứ họ chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi học hỏi được điều gì đó. Và tất cả mọi người đều nhận được một thứ gì đó giá trị hơn chỉ đơn giản một bài viết.
Hãy biến những bài viết khác biệt, và để làm được điều này bạn phải ra ngoài. Hơi buồn là với tôi, điều này đồng nghĩa với việc thức dậy lúc 6h sáng chạy quanh những con phố Sài Gòn cho một bài phỏng vấn cựu GM của Caravelle Sài Gòn- Micheal Robinson, hay thức cả đêm cùng những DJ như Peking Duk. Tôi đến một buổi quay bài hát rap, cuối cùng thế nào lại trở thành diễn viên quần chúng…
Ba lời khuyên anh muốn gửi đến những cây viết trẻ?
Tôi sẽ nói với họ việc viết lách thực ra tốn ít thời gian nhất, việc gây dựng mạng lưới, có ý tưởng sáng tạo và chia sẻ về chúng với nhóm và nhân vật của mình, thuyết phục những người bận rộn cho phép bạn bước vào thế giới của họ, tìm hiểu, lên kế hoạch… rất nhiều việc khác tốn thời gian hơn. Hãy phát triển khả năng để bạn có thể làm được tất cả những điều này, bên cạnh việc viết.
Hãy viết cho tạp chí bạn làm, chứ không phải cho bạn. Bạn có thể tạo blog riêng hay post nó đâu đó nếu là viết cho mình. Đừng có viết khác đi so với yêu cầu.
Hãy đơn giản, tôi luôn tin rằng nếu bạn hiểu điều gì đó đủ sâu sắc, bạn có thể giải thích nó một cách rất đơn giản. Đừng cố gắng tỏ ra thông minh làm gì. “Sự đơn giản cũng chính là sự sành điệu’ Leonardo da Vici từng nói vậy, hay là Karl Lagerfeld nhỉ? Tôi chẳng nhớ nữa.
Nơi nào hoản hảo nhất ở Việt Nam để “đi trốn”?
Tôi rất thích “lánh đời” ở Huế. Ở đó có một khách sạn tên là Pilgrimage Village . Nó như ốc đảo vậy, hồ bơi rộng đến bất tận. Ninh Bình cũng có cùng cảm giác đó. Tôi thích ở Tam Coc Garden Resor . Nhà hàng ở đó có hành lang rất cổ kính, bạn có thể nhìn thấy khung cảnh tuyệt đẹp của đá và nước từ đó.
Tôi cũng vừa đi nghỉ ở L’Alya ở vịnh Ninh Vân. Để đến được đó bạn phải lên thuyền máy, và một khi đến được đó rồi, bạn sẽ có cảm giác thư giãn tuyệt đối. Six Senses cạnh đó cũng rất tuyệt.
Nha Trang cũng là nhà của một trong những bar tôi thích nhất ở Việt Nam; ở đó có thực đơn lọt top 50 thế giới, gồm những kiểu đồ uống có thể khiến bạn quên hết những lần uống trước của bạn và sẵn sàng để thử mọi thứ. Lần cuối cùng tôi có cảm giác ấy là ở G Club ở Tokyo , cũng là một trong những bar tốt nhất ở Châu Á…
24 giờ lý tưởng của anh ở Sài Gòn sẽ diễn ra thế nào?
Sài gòn là nơi để sống hơn là để nhìn. Vì thế tôi chắc chắn sẽ đễn rất nhiều địa chỉ ẩm thực đường phố và tập hợp đa dạng của nhiều nhà hàng và quán bar.
Đầu tiên, tôi không ăn bữa sáng mà chỉ uống cà phê. Gần đây tôi thích uốn nitro cold brew ở NOMAD Cold Brew . Địa điểm quán này cũng thú vị, ngay trong ngõ trên phố Võ Văn Tần, ở đây có nhiều tạp chí Monacle và Kinfolk để thưởng thức khi uống cà phê. Một địa điểm khác là Okkio Caffe mới mở ở 41/1 Pham Ngoc Thach cũng đáng ghé thăm. Nếu tôi uống cà phê ở nhà trước rồi mới ra ngoài, tôi sẽ dùng hạt cà phê nua ở [A] Cafe Specialty Roasters.
Nếu hôm đó là Chủ nhật, tôi sẽ đi ăn dim sum ở Ocean Palace . Có thể còn có nhiều nơi ngon và rẻ hơn, nhưng tôi rất thích không gian và sự bận rộn ở đó. Vì người ta phục vụ từng đĩa một nên bạn có nhiều thời gian để trò chuyện, buôn chuyện hay nhớ về hai ngày cuối tuần.
Chắc chắn ở đây không thể thiếu sự xuất hiện của Japan Town rồi. Tôi sống ở Nhật 4 năm, nên nơi này luôn gợi cho tôi nhớ về quãng thời gian đó. Tôi từng thử viết một bài hướng dẫn khám phá khu này nhưng cuối cùng phải bỏ cuộc vì luôn có những địa chỉ mới mọc lên nhanh hơn tốc độ viết lách của tôi. Thay vào đó, tôi sẽ thuê Taka từ cửa hàng Sushi Rei để chia sẻ về chính nơi này và tôi sẽ chỉ học hỏi thôi.
Bạn sẽ luôn tìm thấy tôi ở đây. Vào buổi chiều, tôi thường vừa làm việc vừa uống double espresso ở quán mới có tên Babros Coffee Roaster hay ở Vietnam Coffee Republic . Chủ quán cà phê này – Phong thường hay ở quán và sẵn sàng trò chuyện với bạn về đủ mọi thể loại sự kiện. Cậu ấy vừa mới tổ chức một buổi tiệc nhỏ rất vui, bàn ghế đặt ngay trên vỉa hè. Vào buổi tối bạn sẽ có thể tìm thấy tôi ở một trong những izakayas xung quanh đây: Mangestu Thai Van Lung , hay Izakaya Ten , hay trong ngõ thì có Chikara để ăn món karaage và gyoza hay nhà hàng Nagoya, Hanakaruta. Họ có món gan sống; tôi từng mời bạn tôi thử món này khi họ đến Sài Gòn. Một khi vượt qua sự sợ hãi, họ thường sẽ thích món đó. Và sake cũng rẻ nữa. Hãy gọi sake ấm ở một tokkuri để nhấm nháp khi ngoài trời đang mưa.
Nếu ăn omakase thì phải tìm đến Sushi Kobayashi hay Sushi Hung. Hai nơi này đều dưới tầng hầm và khiến bạn có cảm giác đang bước vào một thế giới khác. Tôi sẽ đến tắm hơi vào cuối giờ chiều ở trên tầng thượng khách sạn Azumaya Hotel, ở đó có bồn tắm ngoài trời theo phong cách rotenburo, nên tôi có thể thư giãn và nghĩ lại về một ngày của mình khi nhìn ra màn mưa bao phủ trên những tòa nhà chọc trời vào buổi chạng vạng.
Tôi đến spa Cabana Health rất nhiều. Đó là kiểu spa nơi người ta có thể hút thuốc và đọc báo ở ngoài sảnh. Thậm chí nhân viên dọn phòng cũng có thể ngồi hút thuốc. Bài massage thường rất mạnh, nhưng ai mà được tôi giới thiệu đến đó đều nói với tôi đó đúng là trải nghiệm nhớ đời. Họ đã sửa sang lại nó trong đợt Covid, vì thế giờ chẳng còn vẻ đẹp kiểu cũ kĩ nữa, nhưng vẫn là địa điểm tuyệt vời.
Rồi tôi sẽ đi cắt tóc ở Brothers – Boutique Men’s Salon , vừa cắt tóc vừa uống cocktail Martijn’s Aperitivo ở Koheis bar ngay cạnh đó. Sau đó chắc tôi uống thêm một ly nữa với Kohei, và nghe một vài câu chuyện hài hước từ hồi anh ấy sống ở Thượng Hải.
Sau đó, tôi sẽ đi bộ 5 phút đến Ngọc Sương Seafood & Bar. Ở đó tôi sẽ gọi món hàu cùng prosecco. Nơi này rất khác biệt, vì không có nhà hàng hải sản nào khác có phong cách mới mẻ như vậy. Nếu muốn truyền thống hơn, tôi sẽ đi bộ thêm chút nữa đến Bến – Ốc & Hải Sản ở ngay cạnh bến tàu.
Khu phố Nhật mới quanh Phạm Viết Chánh cũng đang ngày càng mở rộng. Tôi đến Kakinoki hàng tuần để ăn đồ Nhật- Ý và uống rượu vang. Nhưng nếu chúng ta đang bàn về 24 h lý tưởng ở Sài Gòn, tôi sẽ phải đến thăm nhà hàng Kiyota Sushi Sake trên cùng phố đó để ăn món omakase. Tôi không chắc ở bất cứ đâu ở Châu Á có thực đơn vừa chất lượng vừa phải chăng như vậy.
Tôi sẽ kết thúc ngày hôm đó bằng vài ly cocktails ở đâu đó bí bí mật như quán bar mới mở Blanche Bar + Dessert. Bạn sẽ phải đi qua một cửa hàng Ministop và một khách sạn mới tìm được nó. Leo lên những bậc thang lơ lửng trên phố cũng vui nữa, sau đó bạn sẽ bắt gặp một quán bar nhỏ ở cuối hành lang. Hoặc tôi có thể sẽ đến nơi nào đó khác, như Madam Kew , đặc biệt có thể tôi sẽ có trải nghiệm ẩm thực thú vị ở nhà hàng Quince tầng dưới hay một bữa tối đầy màu sắc và mới mẻ ở Kiba Saigon. Sau đó, nếu đã muộn rồi, tôi sẽ đến CANDI SHOP để uống cocktail và mong là có thể thưởng thức trình diễn hip hop. Thậm chí muộn hơn, tôi có thể vẫn sẽ muốn đến The Observatory để nghe nhạc techno cùng bạn bè cũ.
Cuối cùng, anh sẽ mời ai đến bữa tiệc tối của mình nếu chỉ được chọn 4 người. Và anh sẽ mời họ món gì?
Tôi có một vài ý tưởng. Nghệ sĩ huyền thọa: Onyeabor, Robert Johnson, Niccolo Paganini và Aphex Twin. Hoặc 1 buổi tối với những người vừa nổi tiếng vừa thích uống? Hunter S. Thompson, Jack Kerouac, George Best, và Amy Winehouse. Ý tưởng này nghe vừa hay vừa… dở nhỉ? Tôi sẽ mở rượu khi món tráng miệng được dọn ra, và bạn tôi đầu bếp Peter Cuong Franklin sẽ là đầu bếp vừa hoàn hảo vừa không hoàn hảo nhất cho bữa tối này.
Nhưng cũng có khi tôi sẽ hủy buổi tiệc vào phút chót mà về đi ngủ. Nghe thì lạ nhưng tôi vui nhất khi ở một mình suy nghĩ và viết, lên kế hoạch, đại loại vậy.
Chân thành cảm ơn nhiếp ảnh gia Koi Nguyen . Cảm ơn biên tập viên Chris Thompson, người vừa được vinh danh Người có tầm ảnh hưởng của năm bởi The Drinks Business Asia.