
Quảng Trị có thời tiết cực kỳ khắc nghiệt. Trong những tháng hè gay gắt, vùng đất này phải hứng chịu những cơn gió hanh khô. Khi ngày dần vào đông, các cơn mưa dai dẳng kéo theo nhiệt độ có thể xuống đến 7 độ C. Dọc theo đồng bằng ven biển phía đông, các mũi đá và cồn cát hòa tan ra biển lớn. Bên trên những sườn dốc là rừng thường xanh, các đỉnh và thung lũng nối tiếp nhau, kéo dài đến tận biên giới với Lào. Nơi này chính là vùng đất nuôi dưỡng tâm hồn hoạ sĩ Trần Chí Thành và giờ đây Đà Nẵng chính là mảnh đất tiếp theo anh chọn để sinh sống và gắn bó.
Read on in English
“Tôi là một đứa trẻ lớn lên từ nông thôn,” hoạ sĩ Trần Chí Thành bắt đầu trong dòng hồi ức, “và đứa trẻ này rất thích vẽ. Định kiến về các họa sĩ thường là người sống nội tâm và khá thơ mộng, tôi nghĩ, điều này khá đúng với mình…”
Thật ra, ban đầu hoạ sĩ Trần Chí Thành học thiết kế nội thất. Nhưng trong suốt 5 năm đó, anh nhớ lại, vẽ tranh đã trở thành một cách để nuôi dưỡng tinh thần của anh. Và vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp, anh ấy đã lần đầu tiên giới thiệu tác phẩm của mình ra quốc tế tại Bắc Kinh. “Mọi chuyện diễn ra khá tự nhiên, như một con đường mà tôi đã được định sẵn để đi,” anh cười.
Giờ đây, hoạ sĩ đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, cách Quảng Trị 160km về phía Nam. Nhưng, cũng giống như quê hương của mình, anh ấy vẫn ở gần biển. Và, chắc chắn rằng biển cũng xuất hiện trong các tác phẩm của anh theo một cách nào đó, dù là trừu tượng hay tượng hình – hai phong cách mà anh ấy luân phiên theo đuổi. “Khi tôi bắt đầu coi mình là một họa sĩ, khoảng năm 2006, tôi thích vẽ tả thực và đưa ý niệm vào để diễn đạt cho những gì mình muốn nói. Càng về sau tôi chọn lối sống tối giản, nhẹ nhàng hơn nên đã theo đuổi trường phái trừu tượng. Tôi thích và cảm thấy phong cách này gần gũi hơn với con người thật của tôi.”

“Và thực ra,” anh chia sẻ, “biển là nguồn cảm hứng lớn cho nhiều tác phẩm của tôi. Miền đất đang sống chắc chắn thấm sâu vào con người nên tác phẩm cũng sẽ mang một phần linh hồn của miền đất ấy, dù đó là hữu hình hay trừu tượng đi nữa. Cứ mỗi cuối tuần, trong nhiều năm gần đây, cùng với một nhóm họa sĩ, chúng tôi lại ra ngoài để vẽ phong cảnh. Chúng tôi thường hướng tới các khu vực chưa phát triển, để nắm bắt và ghi lại những nét đẹp đơn sơ này trước khi khu vực đó bị đô thị hoá.”
Một số tác phẩm của anh được hoàn thành khá nhanh chóng, trong khi một số tác phẩm khác thường diễn ra trong một thời gian dài. “Tôi cảm thấy các tác phẩm nghệ thuật của mình dường như là một cuộc đối thoại của chính mình mà tác phẩm được sáng tạo ra toát lên phần nào tâm hồn tác giả.” Anh giải thích. “Thời gian cho một tác phẩm của tôi là vô chừng, phụ thuộc vào cảm xúc, hoàn cảnh trời đất. Có những tác phẩm rất nhanh trong khoảnh khắc, cũng có những tác phẩm dừng lại khi đã trải qua rất nhiều lần lột xác, chết đi sống lại, từ đen qua trắng…”
Anh ấy đã dành mười năm qua ở Đà Nẵng, quan sát sự phát triển của thành phố. “Nó thay đổi hàng ngày,” anh tâm sự, “có những thứ được thêm vào và những thứ bị mất đi, nhưng tôi cảm thấy đó là điều tất yếu đối với sự phát triển.”
Hoạ sĩ Trần Chí Thành cũng đã có nhiều chia sẻ về con người ở vùng đất này. “Tôi rất quý người dân Quảng Nam và Đà Nẵng bởi sự chân thành và tử tế của họ. Họ cởi mở nhưng họ cũng có một đời sống tâm hồn dung dị,” anh quyết định. “Đó là một nơi rất thoải mái, dễ chịu và dễ sống. Và mảnh đất này rất phù hợp với tôi.”
Rất nhiều thứ đã thay đổi trên thế giới kể từ năm 2006. “Chúng tôi có cơ hội được chứng kiến cách công nghệ và mạng xã hội dần phát triển để thay đổi phong cách sống của mọi người,” anh ấy trầm ngâm, “điều mà các thế hệ trước và sau này không được trải nghiệm.”
Nhưng anh ấy không “chống lại” công nghệ. “Hãy nhìn xem, internet và mạng xã hội giúp mọi người tiếp cận nghệ thuật nhanh hơn rất nhiều. Và, đối với tôi, chúng giúp cho nghệ thuật phát triển, khai mở kho tàng tri thức nghệ thuật cũng như kết nối mọi người lại với nhau – là trợ thủ đắc lực của tôi trong sáng tạo cũng như nhiều vấn đề trong cuộc sống. Thêm vào đó, điều này cũng phá vỡ các rào cản, tạo ra một mạng lưới tức thời giữa nghệ sĩ và công chúng mà trước đây không tồn tại.”
Vì vậy, chúng tôi đã hỏi người nghệ sĩ có tư duy cầu tiến nhưng mang một tâm hồn đầy thơ mộng này một số câu hỏi về thành phố Đà Nẵng mà anh rất trân quý.

Anh có thể mô tả Đà Nẵng cho một người chưa từng đến không?
Chà, Đà Nẵng là vùng đất của những ngọn núi xanh tươi, những dòng sông và bầu trời đầy mây, và đương nhiên là phải kể đến bãi biển xanh tuyệt đẹp. Đó là một nơi mà sự hài hòa thực sự tồn tại cho người dân ở đây. Những người giống như tôi.
Vậy, anh sẽ đi đâu để ngắm nhìn Đà Nẵng từ một góc nhìn khác?
Tôi đã sống và làm việc ở khu vực gần Bà Nà Hills trong một năm khi lần đầu tiên đến đây. Tôi đã phải thốt lên “Đà Nẵng nhìn từ trên cao đẹp quá!”. Vào buổi sáng xuyên qua lớp mây hồng bình minh hình ảnh biển cùng núi ôm lấy thành phố thật vi diệu và thú vị.
Có lẽ vẻ đẹp của thành phố này vẫn tuyệt nhất khi được ngắm nhìn từ xa. Vậy nên tôi vẫn chọn lên núi cao để nhìn xuống vào buổi sáng hoặc theo thuyền cá ra biển để tận hưởng vẻ đẹp lung linh của thành phố trong màn đêm.
Gần đây, tôi đã tìm thấy cho mình địa điểm mới để tìm nguồn cảm hứng. Nơi đó là núi Sơn Trà, thuộc bán đảo Sơn Trà. Nơi này được mệnh danh là lá phổi của thành phố. Và, là một họa sĩ, tôi cảm nhận Sơn Trà chính là linh hồn của Đà Nẵng.
Núi Sơn Trà cung cấp một trong những tầm nhìn đẹp nhất, không bị cản trở ra Đà Nẵng, thú vị vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Ở điểm cao nhất, bạn sẽ có được một bức tranh toàn cảnh rộng lớn. Nó có thể dễ dàng tiếp cận – bằng ô tô hoặc xe máy, bằng xe đạp hoặc thậm chí là chạy bộ. Tôi thường không ở một mình vào lúc bình minh và hoàng hôn, khi có rất nhiều người đổ về đó. Đặc biệt là khi vào trưa, ta sẽ được chứng kiến gam màu xanh ngọc hoà quyện giữa biển và mây trời không thể nào đẹp hơn.

Anh đã khám phá được điều gì trong những chuyến “hoà mình” vào thiên nhiên tại Đà Nẵng?
Sơn Trà có hệ sinh thái biển và rừng đa dạng. Trong vô vàn loài động vật quý hiếm trên bán đảo, tôi vô cùng kinh ngạc trước loài Voọc Ngũ Sắc. Đó là một loài linh trưởng quý hiếm và có vẻ đẹp kỳ lạ, nằm trong danh sách được bảo vệ và cần sự giúp đỡ của chúng ta để tồn tại.

Tại Đà Nẵng, anh thường mua hoạ cụ ở đâu?
Tại cửa hàng họa phẩm chị Bé, ở 36 Xô Viết Nghệ Tĩnh, nằm ngay đối diện trường Đại học kiến trúc Đà Nẵng. Còn nhiều họa phẩm ở Đà Nẵng không có, riêng biệt thì phải đặt từ xa về.
Và đâu là nơi tuyệt vời để đến và gặp gỡ nhiều họa sĩ?
Tôi khuyên bạn nên theo dõi các sự kiện nghệ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố. Tôi thường đi xem triển lãm, hoặc bất kỳ cuộc hội thảo nào họ tổ chức, và chắc chắn tôi sẽ tình cờ gặp một số đồng nghiệp và bạn bè yêu nghệ thuật.

Tại thành phố xinh đẹp này, anh sẽ đi đâu để tìm cho mình nguồn cảm hứng mới?
Một trong những niềm vui khi lớn lên ở Quảng Trị là được hòa mình vào thiên nhiên để khám phá. Tôi vẫn yêu bất cứ nơi nào tự nhiên, tĩnh lặng và thanh bình.
Và đâu là nơi tốt nhất anh thường thưởng thức những ly cafe đúng gu mình ở Đà Nẵng?
Tôi hay đến The Local Beans, thành lập từ năm 2013 với cà phê ngon, chất lượng. Ở đó, tôi sẽ uống một hoặc hai cốc, gặp gỡ bạn bè hoặc sắp xếp các cuộc gặp gỡ công việc.

Anh có thể chia sẻ một bí mật về thành phố này mà anh đã vô tình phát hiện được kể từ khi đến đây không?
Một bí mật tuyệt vời nhất mà tôi khám phá ra được đó là tôi không cần khóa cửa mỗi khi đi vắng…