Kể từ khi đáp chuyến bay xuống Việt Nam, Alberto Prieto chưa lúc nào ngừng phát triển, đổi mới bản thân. Không chỉ giữ cương vị đồng sáng lập tạp chí Saigoneer, bao gồm cả tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hàn và Urbanist Hanoi, Alberto còn là chủ dự án Saigon Artbook. Anh chàng đa năng còn kiêm cả DJ nữa. Và anh đã tâm tình với chúng tôi mười bài hát mà anh yêu thích nhất.
Đọc bài viết bằng tiếng Anh
Anh chàng người Tây Ban Nha đến từ Madrid xa xôi khởi đầu bằng nghề kĩ sư phần mềm. Rồi cơ duyên với Sài Gòn đến với anh trong một chương trình trao đổi sinh viên khi anh đang học Thạc sĩ. Giây phút bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất là khởi đầu cho nỗ lực hội nhập với văn hoá Việt Nam không ngừng nghỉ của anh, bao gồm cả cố gắng học thứ tiếng phức tạp này. Có những điều anh yêu vô cùng, nhưng cũng có những điều ghét không thể tả. “Chẳng thứ gì giống mối quan hệ của anh với đất nước này,” Alberto cười nửa miệng. Mặc dù vậy, Sài Gòn chắc chắn đã đối tốt với anh. Thành phố này đã cho anh vô số bài học và trải nghiệm mới. Vậy nên, anh luôn muốn “báo đáp” khi anh có cơ hội.
Nghĩ rồi, anh bắt tay vào thực hiện ngay. Năm 2012 đánh dấu sự ra đời của tạp chí online về đời sống Saigoneer mà anh và đối tác Brian Letwin lập ra. Cả hai người lúc đó vẫn đang làm việc toàn thời gian tại các quán cafe. “Anh vẫn nhớ về Decibel Lounge,” Alberto thủ thỉ đầy hoài niệm. Rồi Saigoneer từng bước phát triển thành một phần không thể thiếu của văn hoá và đời sống con người Việt Nam. Đội ngũ Saigoneer cũng dần hoàn thiện, lên đến tổng cộng mười lăn thành viên toàn thời gian.
Alberto cũng đang “cầm đầu” dự án Saigon Artbook (hay SGAB). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận được lập ra nhằm mục đích nâng cao nhận thức của con người về văn hoá nghệ thuật đương đại tại Sài Gòn. Một mũi tên phải trúng hai đích, dự án vừa phải khuyến khích những nghệ sĩ tiềm năng theo đuổi hoài bão của mình, vừa cần khích lệ khán giả cởi mở đón nhận nó. Ngoài việc xuất bản sách, SGAB còn tổ chức các họp báo, hội thảo và triển lãm nghệ thuật.
“SGAB là một cơ hội lớn để anh “tiến hoá” từ một thiết kế đồ hoạ và website thành một doanh nhân, nhiếp ảnh gia và quay phim,” Alberto gật gù “Dù thế thì với mẹ anh, anh vẫn là Little Smurf của bà.”
Âm nhạc đã cho anh bài học gì?
Âm nhạc hiện hữu trong từng ngóc ngách cuộc đời anh từ thuở ấu thơ. Anh vẫn còn nhớ năm mười tuổi, anh hay trốn vào những góc bí mật để nghe thứ âm nhạc dị dị, sến súa của mình. Đó là tật xấu của anh đó, và anh không muốn ai phán xét mình cả. Đó là những năm 80, 90. Cả thế giới đầy rẫy những tiêu chuẩn khó hiểu. Giờ thì anh biết thêm nhiều thứ hơn rồi, cũng chẳng cần giấu diếm gì nữa. Bài học thứ nhất: Quan tâm đến người khác nghĩ gì ít thôi.
Điều gì khơi nguồn đam mê âm nhạc của anh?
Anh không phải là học sinh nổi bật trong lớp thanh nhạc. Thầy giáo bắt bọn anh…tập thổi sáo. Anh không thích một chút nào! Chỉ đến khi tốt nghiệp cấp ba, anh mới bắt đầu tìm được niềm vui từ âm nhạc. Anh vẫn nhớ những bài tập đàn ghi-ta đầu tiên khiến cuộc sống của mình trở nên sôi động và đầy màu sắc hơn thế nào. Sau đó, anh tham gia vào hai ban nhạc và biểu diễn trên vô số sân khấu.
Vài năm sau, anh bắt đầu lập nên ban nhạc của chính mình, gọi là Los Granitos de Arena, dịch ra là những hạt cát. Bọn anh lưu diễn quanh Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý. Nhóm anh có mười thành viên, và luôn chơi ngẫu hứng! Có khi bọn anh bắt đầu màn biểu diễn với nhạc funk và kết thúc bằng flamenco. Luôn có một năng lượng tích cực và dồi dào lan toả đến cả ban nhạc. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời âm nhạc của anh.
Sự nghiệp của anh phát triển như thế nào sau khi chuyển đến Việt Nam?
Vào năm 2010, anh dời Los Granitos de Arena để bắt đầu cuộc sống mới tại Việt Nam. Không được chơi nhạc cụ một thời gian dài làm anh nhức nhối lắm. Và thế là anh quyết định mua một chiếc ghi-ta điện, nhưng cũng chẳng sử dụng nó mãi đến năm 2018, khi anh quyết định gia nhập ban nhạc một lần nữa. Thú thực là anh đã thành lập đến hai ban nhạc mới. Anh chẳng thể tìm được một gia đình đông như hồi còn trẻ. Các thành viên đều đã gia nhập một ban nhạc khác trước đó hoặc bận rộn với công việc chính và gia đình của họ, nên không thể toàn tâm toàn ý cho dự án của anh. Anh không làm cách nào thoả mãn nỗi nhớ âm nhạc và sân khấu của mình. Sau đó vài năm, anh có một ý tưởng mới để thoả lấp chỗ trống này. Và thế là dự án The Cube để quay những cảnh đóng thế được hình thành.
Nhưng thật không may, thị trường lúc đó chưa đủ chín muồi, nên The Cube đã thất bại. Nhưng anh cũng chẳng ra về trắng tay! Anh đã học được những kỹ thuật cơ bản về ánh sáng và âm thanh. Sau đó một hôm, anh quyết định trở thành DJ, chơi những bản nhạc Latin cho dân nhảy yêu thứ âm nhạc này. Giờ anh vẫn là DJ quen thuộc tại Cuba La Casa Del Mojito. Đến thăm anh vào thứ năm hàng tuần nhé!
Trải nghiệm ý nghĩa với âm nhạc đầu tiên của anh là gì?
Những ký ức đầu tiên của anh với âm nhạc là ở trong chiếc xe cũ của bố anh. Anh ngồi đằng sau, liên tục hát theo Madona, Michael Jackson va ban nhạc Bee Gees. Cả nhà anh cũng mê nhạc disco và flamenco. Hồi còn teen anh hướng nội lắm, luôn e dè dù muốn nhún nhảy theo âm nhạc. Nhưng nhờ sự động viên của dì và chị anh, anh đã khám phá ra tình yêu dành cho những điệu nhảy của mình. Kỹ thuật nhảy của anh không chính thống. Nhưng nhạc nào anh cũng nhảy, bất cứ lúc nào, bất kì nơi đâu.
Âm nhạc kết nối với cuộc sống thường ngày của anh thế nào?
Mỗi khi ra đường, anh đều khư khư chiếc tai nghe. Cuộc sống thật tẻ nhạt nếu như không có âm nhạc. Anh tự thấy chúng ta thật may mắn khi sống ở thời hiện đại, có thể tự sản xuất ra âm nhạc của chính mình. Một trong những kỉ niệm đáng nhớ của anh ở Sài Gòn là vừa ăn cơm tấm, vừa hát thật to với những cô bán hàng ven đường sau một đêm say mèm.
Khẩu vị âm nhạc của anh thay đổi như thế nào qua năm tháng?
Anh bắt đầu với những thể loại nhạc Latin, ảnh hưởng của nền âm nhạc châu Âu. Và tất nhiên là âm nhạc Mỹ, với sức lan toả khắp thế giới (Có một sự thật cần được bật mí nữa: Hồi còn học cấp ba, anh cực đam mê văn hoá Nhật Bản, từ manga, anime đến nhạc Nhật).
Khi đến Việt Nam, lần đầu tiên anh nghe những bản nhạc Việt. Có những ca khúc hay, lại có những sáng tác dở ẹc, xấu xí. Những thứ âm nhạc như những bản karaoke đầy men rượu, nhạc cải lương rầu rĩ, nhạc pop cho tuổi teen ngớ ngẩn hay thứ nhạc Vinahouse trống rỗng tràn lan khắp Việt Nam.
Nhưng karaoke lại là một hình thức cực hay để học tiếng Việt và làm quen được thêm nhiều bạn mới.
Âm nhạc nào bị đánh giá thấp? Thể loại nào được ca ngợi quá đà?
Flamenco, bởi âm nhạc này khá kì lạ. Với những ai biết đến nó, họ hẳn sẽ tôn trọng và yêu mến nó. Nhưng lại không có nhiều người như vậy. Ngay cả khi ở Tây Ban Nha, cái nôi của Flamenco, nó cũng không được quá coi trọng.
Flamenco như một ly rượu ngon, cần vài năm mới có thể nếm và cảm nhận hết được vị đậm của nó. Còn thể loại âm nhạc Pop với anh như một loại rượu rẻ tiền vậy.
Nếu như không có ai bên cạnh, anh sẽ nghe loại nhạc gì?
Anh không cần phải giấu diếm gì nữa. Anh nghe tất cả âm nhạc mà anh thích với niềm tự hào. Một album khá “xấu hổ” mà anh yêu thích vô cùng là Smile bởi ban nhạc Thuỵ Điển Smile.dk.Smile. Album này ra mắt vào năm 1998, tổng hợp mười bài hát dễ thương làm bạn không thể không nhún nhảy theo điệu nhạc.
Nếu chỉ được bật duy nhất một bản nhạc để thuyết phục một người rơi vào “lưới tình” với âm nhạc, anh sẽ bật bài nào?
‘You Should Be Dancing’ của the Bee Gees. Bài này cực phiêu. Và để tận hưởn trọn vẹn bài hát, đừng ngại ngần lắc lư theo điệu nhạc. Nhưng để hiểu thêm về con người anh, hãy nghe bài ‘Move Bitch’ của Ludacris.
Anh sẽ bật bản nhạc nào và đám cưới của mình? Còn đám ma thì sao?
‘Tunak Tunak Tun’ của anh chàng Ấn Độ điên dồ Daler Mehndi. Anh còn muốn mời anh ta biểu diễn trực tiếp tại đám cưới của mình. Sẽ vô cùng thú vị đó!
Còn ở đám ma của anh, hãy bật bài ‘El Muerto Vivo’ của Peret. Lời bài hát có câu “Anh ta chưa chết, anh ta vẫn đang quậy nhiệt.”
Bản Mix của anh sẽ khiến người nghe cảm thấy thế nào?
Người nghe sẽ cảm thấy mình như thể đang là Hoàng Đế hay Nữ Vương vậy, đầy màu sắc, uy quyền và sự lạc quan.
Bản nhạc này phù hợp nghe ở đâu nhất? Vì sao?
Nên nghe bản mix này trong tâm thế thư thái, nhắm mắt cảm nhận từng câu từ. Nhưng bạn cũng có thể nghe khi đi mua sắm, làm việc ở quán cafe hay khi đang tham gia giao thông mà đường kẹt cứng. Thú thật là ở đâu cũng được ấy!
Cuối cùng, hãy miêu tả mười bản nhạc mà anh đã chọn!
Đầu tiên là một bản nhạc rất đặc biệt đến từ Ana Tijoux, nghệ sĩ biểu trưng cho nền văn hoá khác biệt đa chủng tộc. Ca khúc cực sexy ‘1977’ được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, do Ana mang hai dòng máu lai Pháp – Chile trong mình. Tiếp theo là một bài hát Tây Ban Nha nữa. Bản Pienso En Tu Mirá của Rosalía là một điển hình cho cả album thể loại nhạc Flamenco đình đám của cô. Cô có thể kết hợp rất nhiều thể loại nhạc với kỹ thuật sản xuất hiện đại, quả là một người phụ nữ tài năng.
Kế tiếp là một nghệ sĩ nam người Latin, Javier Ruibal. Nhưng những tác phẩm của anh luôn coi trọng và ca ngợi phụ nữ. Bài hát ‘Isla Mujeres’, dịch ra là Island of Women. Thêm một ca khúc Latin nữa nhé, vì nó chiếm một phần rất lớn trong cuộc đời âm nhạc của anh. Lần này là thể loại nhạc Salsa, với bản ‘Idilio’ của Willie Colón. Nếu hiểu tiếng Tây Ban Nha, bạn sẽ trầm trồ bởi ca từ đẹp đẽ của nó.
Tiếp theo, hãy nhún nhảy nhiệt tình với ‘All of Us’ của Fakear. Mặc dù nơi sinh ra bản nhạc này là bờ Tây, giai điệu của nó lại đặc trưng miền Đông. Cực hào hứng và khiến bạn trở nên vui vẻ hơn bội phần! Một bài hát vô cùng yêu đời nữa là ‘Colours’ bởi Roosevelt, chuyển từ trạng thái lâng lâng sang phiêu phiêu. Tiếp tục nán lại với chủ đề retro với bài hát tiếp theo, ‘Cruel Angel Thesis’ của Yoko Takahashi. Đây là bài hát chứng kiến những năm tháng tuổi teen của anh. Dù đã nghe đến thuộc lòng bài hát, mỗi lần nghe lại anh đều thấy phấn khích như lần đầu tiên và có thêm động lực để thử thêm nhiều điều mới. Bản nhạc jazz ‘La Villete’ của Marcus Miller lại đem đến một cảm giác thư thả, bình tĩnh. Nhưng chẳng một bản mix nào là hoàn thiện nếu như không có một bài hát power-bass. Đó là lý do anh chọn một ca khúc đậm chất châu Âu, thể hiện bởi ca sĩ người Pháp Claire Pichet với giọng ca ngọt ngào trong nền nhạc piano. ‘Symphony No.25 in G Minor’ của Mozart là điểm sáng của bản mix. Bài hát cuối cùng nên là bài hát ấn tượng nhất chứ nhỉ!
Photos by Khooa Nguyen and Nam Tran Duy. Edited by David Kaye.