Xuất thân từ vị trí bếp trưởng các loại bánh ngọt và sô-cô-la của thương hiệu Việt Nam nổi tiếng Marou Faiseurs de Chocolat, Didier Tayoro quyết “dứt áo ra đi” để lập nên công ty chuyên tổ chức các lớp nấu ăn và tư vấn về bánh ngọt, bánh mặn chay mang tên Kayke của mình. Cùng bước phát triển trong sự nghiệp, Didier tâm sự với chúng tôi quá trình hội nhập văn hoá với Đông Nam Á và đất nước Việt Nam.
“Anh luôn hào hứng với tất cả mọi thứ, nhưng đồng thời cũng luôn lo lắng và căng thẳng,” Didier Tayoro cười chấp nhận. Hành trình ở Sài Gòn của anh bắt đầu từ những lớp dạy làm bánh. Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng của những bữa tiệc tại nơi theo yêu cầu của khách hàng, anh quyết định mang những sản phẩm không chứa gluten và lactose tới Việt Nam. Đó là lý do Kayke Sài Gòn được hình thành, chuyên cung cấp các nguyên liệu làm bánh cho tệp khách hàng đa dạng với những nhu cầu khác nhau. Công ty phân phối đến những nhà hàng như Cuisine Cuisine, L’Herbanyste và cả những khách lẻ. Thật tiện lợi cho những người đi làm bận rộn tại Sài Gòn.
Didier lớn lên tại Pau, một thành phố miền Đông Tây Pháp. Anh đã trau dồi kĩ năng làm bánh của mình trong bốn năm học tại trường dạy nấu ăn chuyên nghiệp. Dù ban đầu dự định làm đầu bếp món ngọt cho quân đội Pháp, song Didier lại chuyển hướng trở thành lính nhảy dù với tấm bằng ngành dịch vụ logistics. Sau năm năm luyện tập miệt mài, Didier chinh phục những hoạt động khó nhằn như nhảy từ máy bay quân đội xuống đất. Năm 2007, Didier rời vị trí lúc đó và quay trở về với quê hương Luân Đôn của anh. “Anh muốn học tiếng Anh một cách nghiêm chỉnh!” Didier nói. Không chỉ trau dồi về mặt ngôn ngữ, con đường sự nghiệp của Didier cũng rẽ ngang. Anh trở thành bếp trưởng bếp bánh tại nhà hàng gắn sao Michelin Club Gascon. Vài năm sau đó, anh lại chuyển địa điểm qua New Zealand trong 12 tháng để “tiếp tục uống rượu và làm việc hăng say”. Anh trở về Anh nhưng không lâu sau đó lại lên đường “chinh chiến” đảo St Martin Caribbean. Trước khi “đổi hộ khẩu” sang châu Á, anh giữ vị trí quản lí bếp bánh ngọt tại 27 nhà hàng, tiệm bánh thuộc hệ thống thương hiệu Le Pain Quotidien quanh UK và Ai-len.
Vào năm 2017, Didier gia nhập thương hiệu Marou với vai trò bếp trưởng bếp bánh và sô-cô-la. Sau một năm, Didier quyết định thành lập riêng “cơ ngơi” của mình. Không chỉ có kinh nghiệm làm tại Marou, anh còn tích luỹ được vốn kinh nghiệm quý giá trong những năm tháng ở Pháp và Luân-đôn. Kết quả, Didier Tayoro đã lập nên Kayke Sgaigon vào tháng 2 năm 2019.
Kể từ khi xuất hiện, Kayke ngày càng dành được nhiều sự chú ý và mến mộ, không chỉ bởi khách hàng mà còn bởi những tên tuổi trong ngành bánh ngọt. Dù không đổ nhiều công sức vào marketing quảng cáo, song thương hiệu này vẫn ngày càng đi lên và được người Sài Gòn “mách” nhau mỗi ngày. “Không có marketing nào lại được việc một khách hàng hài lòng kể về trải nghiệm vui vẻ của họ với những vị khách tiềm năng khác,” đôi mắt Didier bừng sáng “Anh rất tự hào với đứa con tinh thần của mình.
Mạng kết nối ở Việt Nam là số một
Gia đình anh sinh sống tại châu Âu và châu Phi. Anh luôn dành thời gian gọi điện, nhắn tin cho cả nhà khi anh có thể. Anh đã tưởng sẽ rất khó để tìm sóng WiFi tốt khi đi xa, hay phải trả một khoản tiền lớn để sử dụng mạng khi rời những thành phố lớn.
Thực tế thì, xuyên suốt đất nước Việt Nam, mạng kết nối cực ổn định. Từ những quán cà phê bé tí đến xe buýt công cộng, đâu đâu cũng có thể dò tìm WiFi miễn phí. Và mạng còn nhanh hơn những thành phố lớn tại châu Âu nữa.
Một ví dụ nhé? Anh từng đi “phượt” từ Hồ Chí Miinh đến Mũi Né qua Bà Rịa. Giữa đường, anh nghỉ chân tại những quán cà phê tin hin không tên tuổi. Mạng wifi những nơi này còn đủ để anh gọi điện cho gia đình, bạn bè trên khắp thế giới!
Xe máy ở khắp mọi nơi (và là phương tiện giao thông tiện nghi nhất)
Ai đã từng xem những chiếc video về giao thông Việt Nam, hẳn sẽ “khiếp đảm” trước cảnh những chiếc xe máy chạy ngược xuôi hết sức hỗn độn tại đây. Chưa bao giờ anh từng nghĩ mình sẽ là một phần trong bức tranh phức tạp này. Anh đã tưởng mình sẽ chẳng thể nào lái xe như những người dân nơi đây được. Quá stress, quá nguye hiểm.
Nhưng thực ra thì lái xe dễ như đi bộ vậy. Giờ anh có thể tự tin nói mình lái điệu nghệ như người địa phương rồi.
Để nhường đường cho các tài xế khác và người đi bộ, anh dừng lại trên đường khá nhiều lần. Khác với những đất nước khác, bọn anh bấm còi tự do không nguyên tắc, chỉ để thông báo cho người khác biết sự hiện diện của mình.
Ở châu Âu, anh dùng thắng xe khá thường xuyên. Còn ở đây thì không, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến những tài xế xung quanh. Anh có một tài xế chuyên giao bánh tận nơi đến khách hàng. Nhưng mỗi khi không tìm được, anh lại “tự thân vận động”, chẳng có vấn đề gì hết.
Kayke Saigon trụ lạc tại quận 1. Anh có thể giao bánh đến khu vực quận 2 và quận 7 mà bánh vẫn “giữ nguyên hiện trạng”. Anh rất tự hào về bản thân mình đấy. Anh thậm chí còn biết giờ nào nên đi cây cầu nào, giờ nào nên tránh. Khách hàng là thượng đế. Khách hàng vui vẻ thì Kayke cũng mãn nguyện.
Ẩm thực thế giới hiện hữu tại mọi ngóc ngách của thành phố
Bánh mì hoặc phở. Anh những tưởng mình chỉ có hai lựa chọn này để “sống qua ngày”. Nói quá đấy, nhưng thực sự anh đã nghĩ mình sẽ chỉ quanh quẩn ăn đi ăn lại đồ ăn Việt Nam. Anh không chỉ nghĩ nơi đây hạn chế về mặt ẩm thực, mà còn các hoạt động giải trí nữa. Anh thích một thành phố đầy sôi động khi màn đêm buông xuống. Anh đã từng lo sợ nơi mình ở sẽ thật hiu quạnh, cô đơn.
Nhưng rồi anh tìm được những nơi bán đồ Hàn, Nhật và Tây Ban Nha cực ngon. Hễ anh thèm gì là có thể tìm được món ăn đó, mà lại còn ngon tuyệt vời. Những nhà hàng Việt Nam thì khỏi phải bàn, nhưng ẩm thực thế giới phong phú tại thành phố này khiến anh rất hào hứng. Năm tháng đầu đến đây, anh không nấu ăn bữa nào. Tại anh “bận” khám phá những nhà hàng Việt Nam quanh quận 1, quận 2 và Bình Thạnh quá! Và Sài Gòn về đêm còn đáng thử hơn cả châu Âu nữa!
Sài Gòn là một thành phố thích “tự sướng”
Qua những tương tác với người Hàn và người Nhật tại đây, anh nhận thấy họ rất thích tự sướng. Họ thích những trang mạng xã hội của mình phải trông thật lung linh. Anh đã nghĩ những người Việt Nam không quá ám ảnh với filter và Instagram đến vậy…
Sự thật ư? Người Việt Nam cũng cực yêu thích “seo-phì”. Hình ảnh tự sướng hiện hữu khắp mọi nơi, trong công viên hay các quán cà phê. Anh cũng nhận thấy gia đình là một phần rất lớn với người dân Việt Nam. Rất nhiều bức ảnh họ chụp là với gia đình, cả nhà quây quần vui vẻ trong khung hình rất ấm áp. Có khi có người đến đòi chụp hình với anh tại chỗ làm, trong sự kiện hay thậm chí rất “random” trên đường. Anh không phiền đâu, anh lại thấy thích thú ấy chứ.
Học tiếng Việt khó lắm, phải đâu chuyện đùa
Anh biết tiếng Na-uy, tiếng Hà Lan và Tây Ban Nha. Những tưởng mình đủ “thông minh” để học được tiếng Việt qua việc giao tiếp với học viên, nhân viên hàng ngày tại Kayke Saigon, nhưng không…
Nhưng những người Việt biết tiếng Anh thì rất chịu khó giao tiếp bằng ngoại ngữ này. Anh chỉ biết chút ít cơ bản của tiếng Việt thôi. Anh cố gắng sử dụng chúng khi đi chợ để trả giá. Dù có cố gắng đến mấy, phát âm ngọng líu ngọng lô của anh vẫn khiến người dân bôi rối. Nhưng anh có thể đọc hết được các món ăn trong thực đơn đấy! Nếu không hiểu thì anh sẽ gọi món cơm gà cho đơn giản – món Việt Nam tủ của anh!
Photos by Khooa Nguyen and Nam Tran Duy. Edited by David Kaye.