Kể từ cuộc thi đầu tiên vào năm 2012, bartender nam luôn chiếm ưu thế về số lượng tại các vòng chung kết Diageo World Class Việt Nam. Năm nay, World Class 2023 đã chứng kiến màn thể hiện xuất sắc của các nữ bartender, và 3 trong số họ lọt vào Top 8 chung cuộc. Dẹp sang một bên sự mệt mỏi sau 2 ngày thi đấu căng thẳng, 3 nữ “phù thủy pha chế” chia sẻ cho chúng tôi nghe về nguồn cảm hứng của họ đằng sau những ly cocktail ấn tượng tại World Class 2023 cũng như những hành trình và tương lai “túy lúy” mà họ đang tự pha chế cho chính mình.
Read on in English
Vòng chung kết Diageo World Class Việt Nam 2023 diễn ra vào ngày 22 và 23 tháng 5 tại Qui Lounge, Sài Gòn. Thử thách dành cho những người tham dự bao gồm Tanqueray No.TEN Balanced Botanicals Challenge, Johnnie Walker Signature Smoke Challenge, Don Julio Pour Amor Challenge và cuối cùng, dành riêng cho Top 8 – Showdown Challenge.
Chiến thắng chung cuộc gọi tên Nguyễn Tuấn Anh, trước từng làm việc tại The Haflington, hiện tại anh đang là bartender tại quán bar mới khai trương – USE Bar, Hà Nội. Anh Tuấn Anh sẽ đại diện Việt Nam tại cuộc thi World Class Thế Giới được diễn ra ở Sao Paulo, Brazil vào tháng 9 năm nay.
Điều thú vị không kém tại cuộc thi năm nay chính là lần đầu chứng kiến 3 nữ bartender lọt vào Top 8 chung cuộc. Yến Đặng chỉ từng là barback tại Cọ Cocktail Bar trước khi tiến vào chung kết. Loan Nguyễn đến từ ENIGMA Saigon, một quán bar ở Refinery Courtyard của Sài Gòn với đội ngũ nhân viên trẻ trung và đầy triển vọng, được dẫn dắt bởi cựu vô địch World Class Việt Nam Vũ Ngọc và head bartender Thông Hoài, cũng từng lọt vào Top 8 cuộc thi. Và nữ bartender thứ ba thậm chí còn không đến từ Sài Gòn hay Hà Nội – hai thành phố trung tâm với những cocktail bar nổi tiếng của Việt Nam. Xuân Thy làm việc tại Fox’s Den ở Đà Lạt.
Khoảnh khắc và món cocktail nào khiến bạn yêu thích nghề pha chế?
Yến Đặng: Thực ra không phải là một khoảnh khắc hay loại đồ uống nào cụ thể đưa mình đến với pha chế, mà là áp lực Gen Z mới đúng.
Ở thời điểm đó mình thấy nghề pha chế thật tuyệt vời. Với sự hỗ trợ của chị Tuyền, đồng nghiệp của mình và anh Tỷ, Chủ quán Cọ Cocktail, mình được bắt đầu với vị trí phục vụ bàn. Thời gian trôi qua, tình yêu của mình dành cho mixology ngày càng lớn. Nó cho mình sự tự do trong sáng tạo và mở ra những những kết nối có ý nghĩa với mọi người.
Loan Nguyễn: Thật ra lúc đầu mình cũng không phải quá thích bartending, nhưng đến khi mình được trực tiếp đứng tại quầy làm thì mình thích cảm giác được kết nối với mọi người, với những vị khách đến quán. Sau này thì càng ngày càng có nhiều thứ trong ngành khiến mình yêu nghề hơn. Ly cocktail đầu tiên mình thử trong đời là Maitai, một tropical classic cocktail, nó làm mình hơi bất ngờ là sao đồ uống có cồn mà có thể ngon đến vậy.
Xuân Thy: Là khoảnh khắc mà mình không chỉ kết nối được với khách hàng qua những ly cocktail mà còn qua những câu chuyện, tâm sự và trải nghiệm từ họ.
Ba kỹ năng hữu ích nhất mà bạn đã học được để trở thành một bartender giỏi hơn là gì? Bạn đã học chúng ở đâu và ai đã dạy bạn?
Loan Nguyễn: Mình sẽ không nói đến những kỹ năng chuyên môn của bartender vì mình nghĩ có những điều quan trọng hơn để trở thành một bartender tốt. Ở thời điểm hiện tại thì mình chọn “Mở lòng để học hỏi – Humble”, “Kỷ luật – Discipline”, và việc giữ sự “Tò mò – Curious” là quan trọng nhất vì mình tin 3 điều này sẽ giữ mình đi đúng hướng, tiếp tục học hỏi và dần dần sẽ tạo nên kỹ năng chuyên môn, thái độ đúng đắn và có những kiến thức cần thiết.
Người giúp mình nhận ra 3 điều này rất quan trọng để đi đúng hướng trong ngành bartender thì chính là mentor của mình – anh Vũ Ngọc.
Xuân Thy: Mình chưa phải là một bartender giỏi, nhưng ba kỹ năng hữu ích nhất mình học được là lắng nghe, kiên trì và biết kiểm soát bản thân. Những kỹ năng này mình học được từ ngay bên trong quầy bar, từ những người mình tiếp xúc hàng ngày, từ những anh chị, đồng nghiệp, khách hàng, và từ chính bản thân mình nữa.
Yến Đặng: Đối với tôi, trước hết và quan trọng nhất là nghệ thuật và lòng hiếu khách. Làm cho mỗi khách hàng đều cảm thấy hài lòng là siêu năng lực của chúng tôi! Thứ hai là kiến thức và kỹ năng, là vũ khí bí mật của mỗi bartender. Cuối cùng và quan trọng nhất, niềm đam mê. Trở thành một bartender thì không dễ dàng, thường không phải là tình yêu từ lần tiếp xúc đầu tiên. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, hy sinh và đôi khi là sự chiến đấu.
Trong số những món cocktail bạn đã làm tại World Class Vietnam 2023, bạn tự hào nhất về món đồ uống nào?
Xuân Thy: Đó là món Resonance ở vòng Entry với The Singleton Dufftown 12YO. Resonance có nghĩa là cộng hưởng, món này không sử dụng nguyên liệu hay phương pháp phức tạp nào mà nó chỉ là một sự cộng hưởng của các cá thể riêng biệt để tạo nên một thể hoàn chỉnh. Cộng hưởng tồn tại trong mọi khía cạnh của cuộc sống, cộng hưởng sự cổ điển với hiện đại, cũng như sự cộng hưởng của đồ ăn và thức uống. Đây chính là lý do mình chọn “Resonance” cho vòng đầu tiên.
Yến Đặng: Đó là thử thách thứ ba với Don Julio Tequila. Mình quyết định mang hương vị bữa sáng đặc trưng của Việt Nam đến cuộc thi. Mình đặt tên là Vietnamese Sunrise. Nhờ có đất đai màu mỡ, chúng ta là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil và cà phê của chúng ta với hương vị đậm đà đang được yêu thích trên khắp đất nước.
Mình sử dụng rượu nền là Tequila Don Julio, cà phê Robusta của Việt Nam, sữa đặc hạnh nhân, muối và kem tươi. Đó là khoảnh khắc mình vô cùng tự hào vì mình được giới thiệu hương vị và văn hóa đặc biệt của Việt Nam.
Loan Nguyễn: Mình sẽ chọn No Planet B, cocktail mình đã làm trong Johnnie Walker Black Label Challenge. Mình muốn tạo ra một phiên bản twist từ những Classic Cocktail vốn không dùng nền rượu Scotch Whisky nhưng có thể làm nổi bật vị khói đặc trưng của Johnnie Walker Black Label với thông điệp hướng đến sự phát triển bền vững và bảo vệ ngôi nhà Trái Đất của chúng ta. No Planet B nói về việc khi mình băn khoăn nếu thực sự không có một hành tinh nào khác để nhân loại có thể chuyển đến khi Trái Đất cạn kiệt nguồn sống thì sẽ ra sao.
No Planet B là bản twist từ classic Pina Colada với những hương vị gốc như tropical flavour từ thơm, béo ngậy của nước cốt dừa,… nhưng có thêm sự mới mẻ đến vị khói đặc trưng và độ complex của Johnnie Walker Black Label Blended Scotch Whisky, từ vỏ chuối và hạt điều và Vermouth.
Hầu hết hiện nay vẫn là những bartender nam đứng sau quầy bar, đặc biệt là ở Việt Nam. Bạn đã gặp khó khăn như thế nào khi gia nhập ngành?
Yến Đặng: Đối với mình mọi thứ diễn ra thật suôn sẻ. Mình đoán mình khá may mắn. Vẫn đúng khi nói rằng chủ yếu vẫn là bartender nam đứng sau quầy bar, nhưng mình cảm thấy là một phụ nữ trong ngành này thậm chí có thể là một lợi thế. Mình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp, ví dụ như giúp mình mang vác những vật nặng, giải quyết vấn đề và phản ứng nhẹ nhàng hơn với những lỗi sai của mình.
Xuân Thy: Mình thật ra không gặp khó khăn nào khi gia nhập ngành cả, ngược lại mình còn được các đồng nghiệp, các anh chị giúp đỡ rất nhiều.
Loan Nguyễn: Một sự thật là có nhiều nam giới hơn trong ngành. Đó có thể là do tính chất công việc – bạn phải làm việc vào ban đêm và bạn đang ở trong một môi trường có nhiều rượu bia. Nhưng cá nhân mình chưa bao giờ thấy đó là một vấn đề. Đã có rất nhiều người phụ nữ thành công đằng sau quầy bar.
Bạn nghĩ phụ nữ có những kỹ năng hoặc đặc điểm nào tốt hơn đàn ông khi làm bartender?
Loan Nguyễn: Mình không nghĩ có bất kỳ kỹ năng nào có thể phân biệt theo giới tính. Phụ nữ có thể tỉ mỉ hơn một chút tại quầy và có khả năng kết nối với khách hàng tốt hơn. Nhưng chỉ vậy thôi.
Yến Đặng: Mặc dù người ta thường nói rằng phụ nữ linh hoạt và hợp tác hơn nam giới, nhưng điều quan trọng hơn là với tư cách là bartender, kiến thức và kỹ năng mới là nền tảng cho những gì chúng ta làm bất kể giới tính. Điều đó có nghĩa là, dù chúng ta là phụ nữ hay đàn ông, việc rèn luyện và học hỏi mỗi ngày là điều cần thiết để phát triển.
Xuân Thy: Bản thân mình thấy bartender là phụ nữ hay đàn ông không nói lên được ai sẽ có kỹ năng hay đặc điểm tốt hơn mà là do phong cách và quy tắc làm việc của mỗi người.
Bạn nghĩ ngành pha chế ở Việt Nam sẽ như thế nào sau 5 năm nữa (đặc biệt là về sự công bằng giữa nam và nữ sau quầy bar)?
Xuân Thy: Hiện tại số lượng bartender nữ ngày càng nhiều, và mình cũng có thể nhìn thấy được các bạn bartender nữ luôn được các bạn nam đồng nghiệp bảo vệ và sẵn sàng hỗ trợ hết mình, đôi lúc là còn được nuông chiều hơn, nên mình luôn mong muốn mỗi cá nhân sẽ cùng nhau tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, vui vẻ để xây dựng và gắn kết cộng đồng bartender phát triển hơn.
Loan Nguyễn: Ngành công nghiệp pha chế đang dần mở rộng. Có khả năng sẽ có nhiều nhân viên pha chế nữ hơn tham gia vào cuộc cạnh tranh, mang lại một góc nhìn độc đáo cho ngành. Không quan trọng bạn là nam hay nữ mà là người có đam mê nhất sẽ thành công.
Yến Đặng: Với triển vọng lạc quan của mình, mình tin rằng ngành công nghiệp pha chế sẽ ngày càng nở rộ trong 5 năm tới. Sự cân bằng về giới sau quầy bar sẽ nhận được sự trân trọng đáng có. Tài năng và niềm đam mê của các bartender trên khắp Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành, bất kể giới tính, nền tảng hay tuổi tác.
Nếu có thể mời ba huyền thoại pha chế từ mọi nơi trên thế giới đến ngồi tại quầy bar của bạn và pha chế đồ uống cho họ. Bạn sẽ chọn mời ai?
Loan Nguyễn: Mình sẽ mời ba người mà mình đã có cơ hội gặp và cho mình những lời khuyên rất kịp thời trong hành trình của mình. Có Michito Kaneko, chủ sở hữu của Lamp Bar ở Nara, Nhật Bản, và là World Class Global Champion 2015. Và sau đó là Bannie Kang, World Class Global Champion 2019, và là một trong những giám khảo của World Class Việt Nam 2023. Cuối cùng, người cố vấn của tôi, Vũ Ngọc – World Class Vietnam Champion 2021.
Yến Đặng: Mình chỉ mới vào nghề thôi nên mình chưa có cơ hội gặp gỡ nhiều huyền thoại pha chế. Người đầu tiên mình muốn mời là anh Tuấn Anh, quán quân World Class Việt Nam năm nay. Tiếp theo là anh Conor Nguyễn, tác giả của Bartender’s Guide, cuốn sách đầu tiên của mình về nghề pha chế. Và cuối cùng, Leandro DiMonriva, người dẫn chương trình Educated Barfly.
Bản quyền hình ảnh thuộc về Diageo World Class.