Một Ngàn Lẻ Một Chốn Ăn Uống Nức Tiếng Sài Gòn Cùng Uyên Đặng BUBU Food Show

Chiếc bánh tráng nướng mỡ hành vỉa hè hay nhà hàng Việt Nam “đời mới”. Khu ẩm thực Nhật Bản sôi động hay các quán ăn “fine dining” với sự kết hợp của hương vị Á Âu. Nhẹ nhàng một ly cà phê buổi sớm hay “quẩy” tưng bừng những quán bar “chất chơi” nhất. Sài Gòn là sự giao thoa của cái cũ và cái mới. Sài Gòn là ngôi nhà của Wink #1. Sài Gòn là “địa bàn” của Food Blogger Uyên Đặng, hay còn được biết đến dưới cái tên BUBU Food Show.

Read on in English

Ẩm thực – nguồn cảm hứng vô tận để các food blogger thể hiện tài năng, đam mê và sáng tạo của mình. Uyên Đặng xuất phát là “dân” tài chính, song mối duyên với ẩm thực lại đưa cô đến cái nghề tay trái Food Blogger. Trong vòng hai năm, Instagram BUBU Food Show của cô thu hút hơn 59 nghìn người theo dõi trong và ngoài nước. Có người yêu những công thức “chuẩn cơm mẹ nấu” trong căn bếp luôn tràn đầy màu sắc của cô. Có người dõi theo cô trên từng hành trình khám phá ẩm thực từ Nam chí Bắc. Và trên tất cả, 54 nghìn “khán giả” của Uyên Đặng ngưỡng mộ đam mê và tâm huyết cô đặt vào mỗi món ăn, mỗi sẻ chia của mình. 

“Có lẽ bắt nguồn từ những bài học nấu ăn từ thuở thơ ấu mẹ dành cho tôi,” Uyên Đặng không cần suy nghĩ cũng có thể giải thích lý do cô chọn “kết duyên” với ẩm thực. “Những món ăn thuần Việt thấm mãi trong tâm trí non nớt của tôi lúc bấy giờ. Mẹ dạy tôi bếp là nơi giữ lửa yêu thương, sau này khi lớn lên, tôi dù bận thế nào cũng dành thời gian xắn áo vào bếp nấu ăn cho bản thân và những người thân yêu. Từ lúc nào không biết, tôi đam mê nấu nướng, nhiều lúc có thể ở trong bếp nguyên ngày.”

Yêu bếp là thế, nhưng Uyên Đặng chỉ thực sự được…”xúi” lập một kênh Instagram riêng để chia sẻ trải nghiệm ăn uống của mình hai năm trước, khi người bạn thân ở Thuỵ Điển của cô ghé thăm Việt Nam. “Tôi hào hứng lắm, tôi thiết kế cho anh một “food tour” cầu kỳ kín bưng không sót bữa nào, từ bữa chính tới bữa phụ, cà phê cà pháo,… Chúng tôi chụp rất nhiều ảnh đồ ăn thật đẹp làm kỉ niệm. Nhìn thấy tôi cười tủm tỉm đầy tâm đắc khi xem lại những tấm hình mình chụp, anh nói: Hay Uyên thử làm blog về ẩm thực đi? Biết đâu lại thích!”

Ý tưởng ngẫu hứng ngày nào giờ trở thành tấm vé để Uyên Đặng chu du khắp nơi, gặp gỡ giao lưu với các đầu bếp có tiếng trong ngoài nước, thưởng thức và nghiền ngẫm sự đa dạng, phong phú về văn hoá, ẩm thực trên thế giới. Cô trở thành nhân vật tiêu điểm cho các kế hoạch “social media marketing” của nhiều nhà hàng, quán bar sang trọng. Cô cũng là khách mời danh dự của các buổi Tasting menu, Wine tasting, Grand Opening,… Sắp tới, Uyên Đặng còn ấp ủ dự án “BUBU Food Tour” và kế hoạch tới thăm đất nước Nhật Bản xinh đẹp để khám phá ẩm thực tinh tế nơi đây. 

Nói về kỉ niệm đáng nhớ trong những chuyến đi, Uyên Đặng không thể nào quên món “Pizza đuông dừa”. “Món này không nằm trong menu của bất kỳ nhà hàng nào đâu nhé” Uyên Đặng khoái chí với trải nghiệm độc nhất của mình. “Đặc sản của nước Ý sánh đôi với “cái liều” của người Việt Nam mình – đó là những con đuông dừa vẫn còn sống bò nhúc nhích trên mặt bánh pizza! Sợ không ư? Ban đầu thì sợ, bạn bè Uyên nhìn không ai dám thử. Nhưng thú thật là thử một miếng xong lại muốn cắn miếng nữa. Người ta hay nói liều ăn nhiều mà!”

Vậy nên, nếu bạn muốn ăn nhiều, ăn ngon, ăn sành, hãy theo chân The Dot Magazine và Uyên Đặng trong “food tour” khám phá thiên đường ẩm thực Sài thành ngay bây giờ….

Uyên Đặng, blogger BUBU Food Show, bắt đầu kinh doanh tại chợ cũ của Sài Gòn Quận 1.

Nếu được là hướng dẫn viên của vị khách lần đầu đặt chân tới Sài Gòn trong một ngày, bạn sẽ dẫn anh ấy ghé đâu để dùng bữa? 

Trước tiên tôi sẽ dẫn anh ấy đi ngắm đường phố Sài Gòn buổi sớm tinh mơ, thưởng thức “đặc sản”… kẹt xe giờ cao điểm và nhâm nhi một ly cà phê bệt đối diện  Nhà Thờ Đức Bà

Không gì nhanh, gọn, nhẹ, lại cực kỳ dễ ăn, dễ thích bằng bánh mì Việt Nam. Bánh Mì Bảy Hổ , được mệnh danh là bánh mì lâu đời nhất Sài Gòn – cũng trên 80 năm, là món ăn sáng “tủ” của Uyên. Một ổ đầy đặn thịt, chả lụa, pate, bơ, đồ chua,… chỉ vỏn vẹn 17K – chưa đến 1 Đô la Mỹ!

Ăn sáng xong, tôi sẽ dẫn anh đến thăm chợ Bến Thành, nơi chứa đựng những nét văn hoá đặc sắc nhất của Sài Gòn. Bên trong chợ cơ man là những sạp hàng đầy màu sắc, từ đặc sản nhiều vùng miền đến quần áo, giày dép, khách du lịch có thể tìm được các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp. Lượn lờ ở đây tới trưa chắc hẳn cái bụng đã sột soạt. Tôi sẽ giới thiệu đến anh tiệm Bánh Bèo Huế rất nổi tiếng ở khu chợ này. Chỉ với 50K cho hai người, anh và tôi sẽ cùng nhau thưởng thức các loại bánh bột lọc, bánh bèo, bánh ít trần nhân đậu xanh, nửa cây chả, mỡ hành, bánh mì chiên,… chuẩn vị Huế.

Nếu là khách nước ngoài, chắc chắn anh sẽ muốn trải nghiệm trọn vẹn ẩm thực truyền thống Việt Nam chính gốc. Đó là lý do tôi chọn Cục Gạch Quán cho bữa tối. Không quá cầu kỳ — giản dị như cái tên, quán được trang trí theo phong cách đậm chất làng quê. Thực đơn phong phú với những món ăn trải khắp ba miền Bắc Trung Nam, tôi sẽ chọn mỗi miền một món cho anh thưởng thức. Tôi tin ngày hôm ấy sẽ để lại một ấn tượng sâu sắc cho anh về ẩm thực Sài Gòn/ Việt Nam. 

Món ăn đường phố ngon nhất Sài Gòn trong lòng bạn?

Bánh tráng nướng mỡ hành, còn gọi là “Pizza Việt”, một món biến tấu khá thú vị của người Việt. Nguyên liệu được phủ lên  bánh khá giống với những chiếc pizza tới từ nước Ý. Nhân chính cho món bánh này gồm xúc xích, gà xé, phô mai, trứng gà hoặc trứng cút, hành lá,… Bánh được đặt lên những vỉ than hồng đỏ rực rồi quết trứng, thêm nguyên liệu lên trên, hoàn thiện sau năm phút. Ngon bổ rẻ và đậm chất đường phố. Bánh tráng nướng mỡ hành rất dễ tìm từ mọi nẻo đường ngóc ngách ở Sài Gòn. Một địa điểm mà Uyên nghĩ nên ghé là  Cô Mập – Bánh Tráng Nướng.

Uyên thưởng thức món mì đặc trưng tại chợ Cũ Tôn Thất Đạm.

Quán ăn Việt Nam kiểu mới – Vietnamese fusion food ưa thích của bạn?

 Anan Saigon là nhà hàng Việt Nam nhưng các món ăn lại được biến tấu tài tình bởi đầu bếp Peter Cuong Franklin, nhấn nhá thêm những nguyên liệu, kỹ thuật nấu nướng nước ngoài, khiến chúng trở nên sáng tạo, độc đáo nhưng vẫn giữ được sự tinh túy và đậm đà của ẩm thực Việt Nam.

Uyên cực kỳ thích món Bánh Mì Wagyu và Bánh Xèo Tacos tại Anan Saigon. Món ăn dân dã bánh mì được nâng tầm với thịt bò wagyu hảo hạng và nước sốt đậm đà phá cách. Bánh xèo tacos lại là sự “kết hôn” tưởng không hợp mà hợp không tưởng của vỏ tacos giòn rụm từ ẩm thực Mexico và nhân thuần Việt, như chả cá Nha Trang, bò lúc lắc,… Tôi ăn mà cứ tâm đắc mãi sao sự sáng tạo của người đầu bếp gốc Việt lại bất tận như vậy. 

Dao quanh khu chợ cùng người đầu bếp yêu thích nhất của Uyên – Peter Cường Franklin.

Quán nhậu nào ngon – bổ – rẻ nhất?

Uyên không phải là một “bợm nhậu”, nhưng thi thoảng cũng thích lê la hàng quán, chén chú chén anh với bạn bè. Những lúc như vậy mình hay chọn những quán ốc vỉa hè trên đường Vĩnh Khánh, Phan Xích Long hoặc Ca 3 Lê Hồng Phong. 

Sài Gòn là nơi hội tụ của nền ẩm thực quốc tế. Hãy chọn ra ba nhà hàng với đồ ăn nước ngoài bạn yêu thích nhất?

Ngoài những mâm cơm tự nấu, Uyên đi ăn cũng rất nhiều. Sài Gòn quả thực là thiên đường cho những người ưa thích sự đổi mới trong ẩm thực. Hôm nay, Uyên sẽ dẫn bạn tới ba nhà hàng mình “ghiền” nhất!

Anh Tuk , nhà hàng ẩm thực Thái ở trung tâm Quận 1 với sự đầu tư không nhỏ về không gian, menu Thái phong phú và vừa miệng là lựa chọn đầu tiên của tôi. Tới đây bạn đừng quên gọi món Mực ống nướng với sả – lá chanh thái và 2 loại sốt ớt, Gà ướp sốt vùng Malayoo Nam Thái, và Vẹm xanh sốt sa tế thái và hạt tiêu xanh.

Tiếp theo là một “ông trùm” trong ẩm thực Âu-Mỹ của Sài Gòn, Quince Saigon . Với mô hình cổ điển, thực đơn thay đổi theo mùa đa dạng và liên tục, và lối phục vụ hết sức chuyên nghiệp, thân thiện, nơi này xứng đáng nằm đầu danh sách những nhà hàng nên tới khi ghé thăm Sài thành. Tôi rất ấn tượng với món Tủy bò nướng & trứng cá muối Caviar và món Taco cá hồi rong biển cay tại đây. 

Quay trở lại châu Á với ẩm thực tinh tế của Nhật Bản. Torimitsu tọa lạc trong khu phố Nhật Thái Văn Lung là nơi Uyên thường ghé. Lần nào tới đây tôi cũng “bị” món Chicken Soba Noodles quyến rũ. 

Uyên có phải tín đồ của mô hình nhà hàng “fine dining”?

Sài Gòn không thiếu những nhà hàng sang trọng và chỉn chu từ món ăn đến phong cách phục vụ. Uyên thi thoảng cũng tự chiều chuộng bản thân bằng những trải nghiệm fine dining như thế. 

ROS Yacht Club – Dining & River Lounge có vị trí đắc địa ngay cạnh bờ sông trung tâm Sài Gòn nên thừa hưởng không gian ven sông lãng mạn. Các món ăn là sự dung hòa ẩm thực nhiều nước, từ nguyên liệu đến trình bày đều xuất sắc.   

Uyên thích nhất món Sò điệp dùng tái với sốt nấm Truffle, Tôm sú nướng cùng sốt nghệ tây, ăn kèm với khoai tây nghiền Sò điệp Nhật nướng bông cải, nấm Truffle nghiền, trứng cá tuyết. Đi kèm với những ly cocktail đậm đà thì không gì bằng!

Uyên Đặng làm việc tại ngân hàng vào ban ngày, nhưng trở thành BUBU vào buổi tối và cuối tuần.

Nơi nào phù hợp để hẹn hò cùng một nửa của mình? Nơi nào phù hợp ăn cùng gia đình, bạn bè?

Có nhiều địa điểm lãng mạn phù hợp dùng bữa cùng nửa kia của mình như Vigor Dining Club Saigon , The Ox Not Only OxStokerThe Deck ,… Uyên lại thích cùng gia đình thưởng thức bữa ăn tại Hoa TucMangetsu,  Hum Vegetarian. Đặc điểm chung của những nơi này là không gian thoáng đãng, phù hợp với nhóm đông người, và “vibe” cực kỳ thư thái, thanh lịch. 

Thường tôi sẽ dựa theo sở thích của đối phương để lục lại “cuốn từ điển” các hàng ăn quanh Sài Gòn của mình. 

Quán cà phê nào là điểm hẹn của bạn?

Uyên như bao người trẻ khác rất “ghiền” cà phê, sáng nào cũng phải “làm” một ly để có sức chiến đấu với một ngày dài. Sài Gòn hiện đang dần phát triển trào lưu “specialty coffee” với hạt cà phê được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các vùng cao nguyên Việt Nam, đến kỹ thuật pha tiên tiến, sáng tạo, nâng cà phê Việt lên một tầm cao mới. 

Riêng Uyên lại chú trọng về không gian quán cà phê rất nhiều.  L’Usine và Café Marcel là chốn quen để Uyên gặp gỡ bạn bè ngày cuối tuần.  Akoma Cafe & Fusion yên tĩnh, nhẹ nhàng lại là người bạn đồng hành những hôm Uyên nổi hứng muốn thay đổi không gian làm việc.

Uyên có nhận ra những xu hướng/ hội nhập nào nổi bật trong ẩm thực Việt Nam vài năm trở lại đây?

“Fusion” là một khái niệm không hề mới, nhưng những món ăn thể hiện sự giao thoa văn hoá, nguyên liệu và hương vị của Việt Nam với nước ngoài mới chỉ thực sự được hưởng ứng những năm gần đây.

Việt Nam nổi tiếng với những món ăn dân dã như bánh mì, phở, bún chả, nem…. được các tổ chức thế giới, tạp chí ẩm thực và các kênh truyền hình quốc tế vinh danh. Không chỉ đa dạng, hài hòa, tinh tế, chúng còn chứa đựng tính nghệ thuật, sự khéo léo trong chế biến. Những người bạn nước ngoài của Uyên không ngớt ca ngợi khi được thưởng thức “chiếc bánh mì ngon nhất trong cuộc đời họ”, vốn là món ăn sáng rất đỗi bình dị với người Việt.

Gần đây, thế hệ đầu bếp mới đã thổi vào ẩm thực Việt một làn gió đặc sắc rất riêng. Vẫn là phở nhưng kết hợp với thịt bò wagyu hảo hạng để bát nước dùng đặc sánh, ngọt đậm đà. Vẫn là xíu mại nhưng “song kiếm hợp bích” với ốc hương Pháp để tạo nên món khai vị chẳng thể nào quên. Hay là món pizza nhân…cơm tấm, món tacos của Mexico lại đi đôi rất hài hoà với nguyên liệu tươi của Việt Nam.

Những “combo” độc đáo và sáng tạo ấy là minh chứng cho một nền ẩm thực đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Nhiều thay đổi hấp dẫn, bất ngờ khiến cho hành trình trải nghiệm vị giác của bạn không bao giờ ngao ngán, song vẫn nhắc bạn nhớ về những dư vị quen thuộc, đặc trưng của đất Việt.

Trong tương lai, ẩm thực Việt Nam sẽ vươn xa hơn, và luôn là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy du khách ghé thăm Việt Nam.

Tối thứ Sáu máu chảy về đâu? 

Người ta nói Sài Gòn là chốn ăn chơi kể cũng không sai. Tôi thi thoảng cùng nhóm bạn thân tới xả hơi ở Commas. Tòa nhà HypeAsia này có hai “chất gây nghiện” là Commas ở trên với không gian cực chất và dòng nhạc Hip Hop sôi động và Bam Bam phía dưới — một Bali thu nhỏ giữa lòng Sài thành. Bam Bam chủ yếu chơi nhạc Techno, và “gây thương nhớ” vô cùng nhờ những ly cocktail quyến rũ ngọt ngào. Mỗi lần tới đây thì không say không về!

Một chốn bí mật của bạn ở Sài Gòn?

Bạn hẳn sẽ chẳng bao giờ tình cờ “va phải” nơi này nếu chỉ lang thang khám phá đường phố Sài Gòn. Bởi nó nằm trên một khu chung cư cũ kỹ, phải leo bộ lên lầu và tìm kiếm một cánh cửa…bình thường như bao cánh cửa khác để bước vào. Nhưng bạn sẽ lập tức bị mê hoặc bởi tiếng nhạc sống đầy nội lực và không gian phóng khoáng tại đây. 

Đó là Snuffbox, một quán speakeasy bar với thực đơn cocktail thú vị đến trầm trồ, và những người bartender vui tính, yêu cái đẹp và những ly rượu ngon. 

“Trong tương lai, Uyên nghĩ rằng những đổi mới sẽ được tiếp tục, và ẩm thực Việt Nam – cũ và mới – sẽ thu hút ngày càng nhiều người đến đất nước xinh đẹp này.”

Nên mua gì làm quà từ Sài Gòn?

Nếu muốn mang một mảnh ghép của Sài Gòn về nhà, tôi sẽ khuyên các vị khách du lịch sắm hai thức quà hấp dẫn, dễ vận chuyển, dễ thưởng thức. Đó là Bánh Pía Sầu Riêng – rất nhiều nơi có nhưng tôi hay mua làm quà tại cửa hàng Tân Huê Viên, Quận 5 và Trà Phúc Long tại những chi nhánh quanh Sài Gòn. 

Ba địa điểm ăn uống ưa thích của Uyên quanh Wink #1? 

Wink Hotel Saigon Center tọa lạc ngay trung tâm Quận 1, nên có rất nhiều lựa chọn hàng quán xung quanh để thưởng thức. Nếu là vị khách tại khách sạn xinh đẹp này, tôi sẽ ghé Phở Quỳnh, Ốc KhánhBún Đậu Cô KhànMì Khô Xá Xíu Cô GiangHoi An Sense của Opus Saigon ,… Danh sách này sẽ dài dằng dặc không có hồi kết mất…

Hình ảnh được chụp bởi Nghĩa Ngô, đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến với đầu bếp Peter Cường Franklin từ Anan Restaurant cho chuyến food tour và @fitlananh với vai trò stylist.


You might also like

Từ hãng thời trang Sinhtolina đến các quán bar Speakeasy, Sài Gòn không ngủ của Leo Huỳnh Trinh nhộn nhịp ra sao?

Từ hãng thời trang Sinhtolina đến các quán bar Speakeasy, Sài Gòn không ngủ của Leo Huỳnh Trinh nhộn nhịp ra sao?

Bên Trong Cửa Hàng Trải Nghiệm Và Văn Hoá There VND Then

Bên Trong Cửa Hàng Trải Nghiệm Và Văn Hoá There VND Then

Sài Gòn Trong Đôi Mắt Của Bếp Trưởng VISE Hospitality – Mark Molnar

Sài Gòn Trong Đôi Mắt Của Bếp Trưởng VISE Hospitality – Mark Molnar

Đầu Bếp Francis Thuận Và Một Sài Gòn Thật Khác

Đầu Bếp Francis Thuận Và Một Sài Gòn Thật Khác


Copied

Câu chuyện khác

subscribe us