Còn 15 phút nữa là đến 0 giờ. Tại quán bar Frolic sôi động nằm trên đường Đề Thám, một nhóm nhỏ những “cô đào” của Venus Drag Team tất bật vào phía sau cánh gà sân khấu cho buổi biểu diễn thứ hai trong cùng một đêm. Chỉ có 30 phút vừa di chuyển giữa hai địa điểm vừa thay bộ đồ biểu diễn và dặm lại lớp trang điểm. Trước khi lên sân khấu, “cô đào” Vanessa (tên thật Phạm Thành An) còn kịp nói với lại với chúng tôi “Hôm nay Sa không cần đến miếng đệm ngực, vì Sa chỉ cần là chính Sa”.
Read on in English
Nghệ thuật Drag nổi lên từ những năm 1920, 1930 tại các thành phố lớn như New York và San Francisco tại Mỹ. Nghệ sĩ drag, được gọi là Drag Queens biểu diễn bằng cách biến hóa giới tính thông qua việc mặc trang phục, trang điểm đậm và thực hiện các tiết mục hóa thân trên sân khấu. Drag được coi là một hình thức biểu diễn nghệ thuật nhằm thể hiện sự sáng tạo, khám phá và chống đối các định kiến xã hội về giới tính và tình dục. Drag Queen là một phần của cộng đồng LGBTQ+, có vai trò đặc biệt trong việc khám phá cũng như thể hiện tính cách và giới tính của mình.
Được du nhập vào Việt Nam từ những năm 90, tuy nhiên trước những định kiến nặng nề về giới tính thời bấy giờ, bộ môn nghệ thuật này không mấy phát triển. Mãi đến năm 2014, Drag mới dần được tiếp cận nhiều hơn với đại chúng trước sự xuất hiện của những gương mặt đình đám như Tô Lâm, Gia Kỳ, Sunny,…
“Với Drag một vài năm gần đây đã thật sự bùng nổ, khi được tiếp cận với nhiều khán giả hơn, họ đã bị thu hút ngay từ lần đầu xem trình diễn. Sự chỉn chu trong công việc của những Drag Queen đã được khán giả công nhận và tôn trọng”, Vanessa chia sẻ.
Venus Drag Team Và Những Bản Thể Drag
Do tư tưởng đúng đắn và phù hợp với văn hoá Á Đông cụ thể là Việt Nam, Venus Drag Team gần như quy tụ những cá nhân có tầm ảnh hưởng nhất trong cộng đồng LGBTQ+. “Chúng tôi đang cùng nhau định hướng lại nghề nghiệp của mình và khẳng định giá trị của Drag Queen đối với khán giả, nên khán giả của Venus luôn là những người ủng hộ và tôn trọng sự đa dạng của cuộc sống và giới tính”. Sunny (tên thật Lê Nghĩa) – người thành lập Venus chia sẻ.
Venus Drag Team hiện tại đang có khoảng 20 người được sắp xếp linh hoạt cho các buổi biểu diễn khắp nơi. Các Queen đều là những người có cá tính mạnh mẽ và riêng biệt, là sự kết hợp từ rất nhiều ngành nghề khác nhau, từ đó cách nhìn nhận nghệ thuật trong nhóm cũng rất đa dạng. Để có thể trung hòa được nhiều cá tính trong cùng một tập thể rất khó khăn, tuy nhiên đây lại chính là thế mạnh tạo nên một Venus không bị rập khuôn và trùng lặp với bất kỳ House nào khác. “Đã phải mất một khoảng thời gian dài để chúng tôi làm việc chung với nhau, đi tập, đi show, trang điểm chung, giúp đỡ, hỗ trợ qua lại cho nhau, từ đó đã sinh ra tình yêu thương với những người chung team. Hiện giờ thì nhà Venus đang sở hữu số lượng thành viên khá đông nhưng mọi người đã hoà hợp được với nhau và coi nhau như một gia đình nhỏ”, Vanessa chia sẻ.
Những màn trình diễn của nhóm được được lấy ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau, từ những bộ phim nổi tiếng của mọi thời đại như Nàng tiên cá, Thủy thủ mặt trăng, từ sách báo, câu chuyện xã hội, từ văn hóa đại chúng và văn hóa biểu diễn đặc sắc của phương Tây. Nguồn cảm hứng rất nhiều và dồi dào nhưng tất cả đều được xuất phát từ suy nghĩ và cách thể hiện bản thể Drag của từng thành viên. Đa dạng, biến hóa khôn lường, chuyên nghiệp và không có giới hạn là cách “cô đào” Sunny miêu tả về phong cách trình diễn của Venus.
“Mỗi sân khấu là một trải nghiệm mới để rút được kinh nghiệm vô cùng quý báu, từ việc bị pháo nổ bỏng ở ngực, bỏng lạnh ở chân, hay việc bắt đầu được đứng chung sân khấu với hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên. Để tạo nên một dấu ấn cho sự xuất hiện của Venus, tất cả đều là những lần mà tôi trân quý nhất”, chia sẻ về những kỉ niệm cùng Venus, Sunny cho biết.
Tiếng Gọi Của Drag
Đó là lần đầu tiên ướm lên người bộ phục trang sắc màu, giấu mình sau lớp son phấn của những “cô đào” mang tinh thần thép. “Chính là tiếng gọi của nghệ thuật”, Gia Kỳ (tên thật Mạc Trạch Long) nhớ lại, “tôi là người sống bằng nghệ thuật và vì nghệ thuật. Sau khi trải qua rất nhiều bộ môn khác nhau, tôi tình cờ tìm thấy Drag qua internet và bị hấp dẫn bởi sự biến hóa không lường và ngọn lửa của các Queen”. Không đến với Drag như một cách để trốn tránh con người thật của chính mình, Kỳ vẫn và Kỳ của thường ngày dù khoác lên mình rất nhiều những món tóc giả, mút đệm, nẹp quanh người và một lớp trang điểm thật đậm. “Sau lớp hóa trang ấy, tôi có thể tưởng tượng mình sống một cuộc đời khác, một vai diễn khác. Giống như một trò chơi nhập vai và bạn phải tự thiết kế nhân vật yêu thích cho bản thân, nhưng trò chơi này lại được chơi ở đời thực. Điều đó không đủ để làm cho Drag trở nên thật kì diệu sao?”, Gia Kỳ cười.
Còn đối với Sunny, ánh đèn sân khấu luôn có một ma lực mãnh liệt. Tuy nhiên, sự kỳ thị giới tính luôn ám ảnh Sunny mãi cho đến năm 2014 khi quyết định rời quê nhà Tiền Giang để lên Sài Gòn một mình. Sunny đã phải làm đủ công việc đề có chi phí theo đuổi đam mê làm Drag Queen. “Tôi nghĩ mình theo nghề này vì khi đó tôi được sống hai nhân cách, hai cuộc đời đối lập nhau”, Sunny tâm sự. “Nếu thích làm con gái thì tôi đã chuyển giới rồi. Đối với tôi việc là chính mình bao gồm thể hiện qua bên ngoài bằng hình thức song song đó là nội tâm được thoải mái thể hiện những gì mình thích”. Chỉ trong hình hài Drag Queen cô mới có thể cảm nhận được điều đó – cảm nhận được thế giới của riêng mình.
Drag Là Một Bộ Môn Nghệ Thuật
Mặc dù đã có những thay đổi nhất định khi nhìn nhận cộng đồng LGBTQ+, Việt Nam vẫn còn là một đất nước khá bảo thủ đối với những người làm nghệ thuật Drag Queen. Hiện nay, người Việt Nam vẫn còn quan niệm Drag là trò mua vui hơn bộ môn nghệ thuật. “Sai lầm nhất là có những nhóm đi lệch hướng tư tưởng khi họ nghĩ Drag Queen là những người làm những trò hề nhảy nhót quằn quại, mua vui bằng những trò lố và ăn mặc diêm dúa, trang điểm lòe loẹt”, Sunny bộc bạch với chúng tôi khi đang ngồi lau những giọt mồ hôi đã kéo dài lớp son phấn chảy trên mặt.
Drag là một bộ môn nghệ thuật, mà đã nghệ thuật thì sẽ không tồn tại sự phân biệt. “Không cần biết bạn là ai, xấu hay đẹp, cao hay thấp, gầy hay béo… Chỉ cần bạn trình diễn như một nghệ sĩ thực thụ, chắc chắn bạn sẽ được đón nhận”, Gia Kỳ nói, bước xuống cầu thang cho tiết mục biểu diễn Nàng Tiên Cá đúng lúc 1 giờ sáng. Không quên bổ sung “Và Drag Queen cũng không phải người chuyển giới”.
Haus of Venus sinh ra với sứ mệnh định hướng cách suy nghĩ và nhận thức của khán giả chưa hiểu hay nghĩ sai về Drag. Bằng sự cởi mở với cộng đồng LGBTQ+, Sài Gòn trở thành mảnh đất phát triển nghệ thuật Drag Queen mạnh mẽ nhất. Đêm đêm, đối với những “vedette” 0 giờ, cuộc đời bất tận dường như mới chỉ bắt đầu.
Đã thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn nhân vật với câu hỏi đâu là những vị khách mời trong mơ tới buổi biểu diễn của họ, lần này, The Dot nhận được câu trả lời đặc biệt nhất từ “cô đào” Sunny. “Đối với tôi, mơ chưa bao giờ là thật, mà tôi có thể dùng một từ khác cụ thể hơn đó là mục tiêu. Venus đã được diễn ở những sự kiện lớn có đông đảo giới showbiz tham dự, cũng đã từng được biểu diễn tại các lãnh sự quán các nước như Hà Lan, Anh… Từng được ghé thăm bởi những Drag Queen nổi tiếng của Thái Lan , Mỹ , Úc… khi họ có dịp lưu diễn tại Việt Nam. Vậy mục tiêu tiếp theo của Venus không phải là diễn cho ai xem tiếp theo, mà sẽ là sẽ đưa thành viên nào đi làm khách mời giao lưu tại các show của các nước bạn”.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi cũng kết thúc sau buổi biểu diễn. Đã gần 2 giờ sáng và những Queen của chúng ta trở về với hình dáng thường ngày.
Hình ảnh bởi Venus Drag Queen.