RetroKid có tiềm năng trở thành Palace hay Supreme của Việt Nam. Tuy nhiên ở thì hiện tại, cửa hàng RetroKid được dành riêng cho những thiết kế đặc biệt phiên bản limited và bộ sưu tập độc đáo của anh chủ Nam Quản.
Đọc bài viết bằng tiếng Anh
Chúng tôi đang có mặt tại cửa hàng RetroKid, toạ lạc ngay tại phường Dakao, Sài Gòn. Anh “chủ nhà” Nam Quản nhân dịp này chia sẻ với chúng tôi thú vui độc lạ mới nhất của anh – sưu tập xe mô hình. “Kiếm được bao nhiêu tiền, anh đổ hết vào những thứ như này dây,” anh cười lớn chỉ cho chúng tôi xem những mô hình xe Greenlight trong bộ sưu tập của mình.
Sau lưng chúng tôi là những hàng giày Nike được xếp ngay ngắn (Nam cũng là người sáng lập ra cộng đồng Vietnam Air Max VAMC ). Ngoài ra, anh cũng là đạo diễn của Only In Saigon. Chuỗi video này là một trong những dự án đầu tiên khám phá những cá tính nổi bật, hiện đại, mới mẻ hay có đôi phần kì dị trong thành phố, đồng thời là cẩm nang du lịch quanh một Sài Gòn muôn màu muôn vẻ. Mặc dù dự án khép lại 3 năm về trước, nó đã để lại ảnh hưởng đáng nhớ lên những cá nhân được lên sóng. Bằng chứng là sau đó Netflix đã biết đến Nikki Trần, còn tiệm cắt tóc của Liêm giờ đây đã trở thành thương hiệu quốc tế nổi tiếng.
Vài ngày nữa, Nam Quản và VAMC sẽ tổ chức một buổi họp mặt những tín đồ sneaker. Một ban nhạc indie địa phương sẽ cover lại các bài hát từ thập niên 80, 90 và 2000, biểu trưng cho những giai đoạn phát triển của Nike, các bài hát đều liên quan đến chủ đề “giày”. Chúng tôi cũng hỏi anh về 10 bài hát mà anh yêu thích nhất, và không nằm ngoài dự định, anh gửi đến The Dot Magazine những bản nhạc “chill phết”.
Nam Quản, bằng một câu ngắn gọn anh hãy giới thiệu thương hiệu giày streetwear RetroKid của mình?
Tại RetroKid, bọn anh sản xuất đồ thời trang chất lượng về vải vóc, độc đáo về thiết kế. Những bộ quần áo tại đây vừa mang xu hướng hiện đại, vừa cổ điển và trường tồn với thời gian..
Nhìn lại series Only In Saigon, cảm xúc của anh ra sao? Tập nào trong series anh yêu thích nhất?
Nói thật anh rất tự hào về dự án này của mình. Dù kết thúc lâu rồi nhưng mới gần đây thôi anh vẫn tình cờ gặp một người lạ biết về Only In Saigon và rất yêu quý nó. Anh được khơi nguồn cảm hứng từ những câu chuyện kinh doanh hay ho ở Sài Gòn. Từ đó, anh bắt đầu sản xuất chuỗi video này, với mong muốn họ được biết đến và được ủng hộ nhiều hơn.
Tập ưa thích của anh là về nghệ nhân đóng giày – anh Ngọc. Ảnh rất cởi mở về câu chuyện của mình, những câu chuyện ảnh sẽ không bao giờ chia sẻ với tạp chí hay chương trình TV nào khác, đến mức anh cũng ngạc nhiên luôn. Anh đã làm đến 3 tập về chủ đề này.
Chỉ có điều, chất lượng âm thanh không được như anh mong muốn. Nơi anh Ngọc ở ồn ào quá…
Nếu chẳng may RetroKid bị thiêu trụi, anh sẽ liều mạng vì đồ vật nào?
Laptop và ổ cứng của anh. Là một nhiếp ảnh gia và người làm trong lĩnh vực sáng tạo, anh phải “bảo tồn di sản” của mình. Có những thứ không thể tạo ra lần nữa, cũng như những khoảnh khắc không thể sống lại được.
Mối liên kết giữa âm nhạc, thời trang đường phố và sưu tập giày sneakers?
Chúng luôn có liên kết với nhau đấy. Thập niên 80 là khởi đầu của trào lưu sneaker – lúc đó mọi người bắt đầu thi nhau đi giày thể thao ra đường. Tiếp đó là thập niên 90 với ảnh hưởng mạnh mẽ của âm nhạc hip-hop lên thời trang. Và những mối liên quan đó tiếp tục kéo dài đến ngày nay, bổ sung và tạo cảm hứng cho nhau. Và thế là chúng ta có cái gọi là xu hướng, trào lưu.
Anh có thể kể lại trải nghiệm đáng nhớ đầu tiên của anh với âm nhạc?
Anh vẫn nhớ như in lần đầu tiên được nghe nhạc sống RATATAT ở Sài Gòn năm 2009. Nó thực sự là một show diễn diệu kỳ. Cặp đôi ấy dường như có thể chơi được tất cả các loại nhạc cụ. Sao họ có thể tạo ra những âm thanh đầy xúc cảm như vậy nhỉ?
Anh nghĩ thế nào về các show nhạc sống hiện tại ở Sài Gòn? Và trong các câu lạc bộ đêm?
Anh không nghe nhạc sống quá nhiều nên không đủ tự tin để đánh giá, cũng không hay đi “quẩy” ở các câu lạc bộ đêm. Anh thích những quán bar whisky bí ẩn nhẹ nhàng như In The Mood. Anh luôn muốn chìm đắm trong không gian mờ ảo của quầy bar, nhâm nhi ly whisky bên những cuộc hội thoại thú vị.
Khẩu vị âm nhạc của anh đã thay đổi thế nào kể từ khi anh bắt đầu nghe nhạc?
Giống tất cả mọi thứ, thói quen nghe nhạc của anh thay đổi khá nhiều. Khi còn trẻ, anh hay nghe nhạc theo trào lưu. Mọi người nghe gì, anh nghe đó – những bài hát như Hybrid Theory & Meteora của Linkin Park,Eminen’s The Eminem Show và The Black Parade của My Chemical Romance. Lúc đó anh chưa thể định hình tích cách và khẩu vị âm nhạc của mình.
Có những bài hát xuất sắc đến tận bây giờ anh vẫn nghe như “Dilemma” của Nelly. “Pop It Like It’s Hot” của Snoop Dogg. “The Reason” của Hoobastank. “Behind Blue Eyes” của Limp Bizkit và “American Boy” của Estelle. Và cả “Whatever You Like” của TI, “I’m Yours” của Jason Mraz…
Còn ở hiện tại, anh dựa vào cảm xúc của mình để nghe nhạc. Nó như một nguồn cảm hứng vậy. Giờ đây anh thích tìm kiếm những thể loại nhạc mới hay thường bị bỏ qua.
Khi muốn trở lại những ngày còn “chưa lớn”, anh sẽ nghe nhạc gì?
Những bản nhạc dòng metal cũ kỹ. Như “Sweet Child O’ Mine” của Guns N’ Roses. “Creep” của Radiohead. “I Don’t Wanna Miss A Thing” của Aerosmith. “Chop Suey” của System Of A Down. Anh nghĩ nhạc metal luôn trường tồn theo năm tháng. Chẳng phải đó là nền móng của âm thanh hay sao?
Thể loại nhạc nào bị đánh giá thấp? thể loại nào được tung hô quá đà?
Anh cảm giác thể loại nhạc Jazz và Chillhop đáng lẽ phải được nhiều người yêu thích và trân trọng hơn. Có thể là do nó khá chậm và chứa đựng tầng tầng lớp lớp xúc cảm, nên người trẻ hay thấy…buồn ngủ khi nghe nó. Những nghệ sĩ như Rini sẽ khiến bạn thay đổi nhận định này.
Với anh, EDM được tung hô quá đà. Vì anh không thích “quẩy nhiêt”, nên anh không cảm thụ được thể loại nhạc này.
Đâu là album tuyệt nhất mọi thời đại?
Random Access Memories của Daft Punk. Ban nhạc này là những huyền thoại trên cả hai khía cạnh sáng tác và sản xuất nhạc. Album mới nhất của họ một lần nữa khẳng định điều này.
Và cả những sự kết hợp đầy ăn ý của các ca sĩ “old-school” như Nile Rodgers, Giorgio Moroder, Julio Casablanca,…cùng lớp thế hệ mới như Pharrell Williams và The Weeknd. Họ tạo ra những sản phẩm âm nhạc sẽ sống mãi với thời gian.
Nếu chỉ được chọn một bài hát để thuyết phục một người rơi vào “lưới tình” với âm nhạc, anh sẽ chọn bài nào?
“Day 1” của HONNE. Một bài hát kinh điển với câu từ lãng mạn, vừa cổ điển vừa hiện đại.
Cảm xúc khi nghe bản Mix 10 bài hát này của anh?
Lúc bắt đầu, nó sẽ khiến bạn buồn rười rượi, thậm chí nhớ lại những khó khăn trong quá khứ. Sau đó nó sẽ vui vẻ hơn một chút, tự tin và hài lòng với những gì mình đang có.
Nên nghe bản nhạc này khi nào, ở đâu?
Hãy nghe một mình. Một là trên giường, hai là ở các quán bar speakeasy với ly Old Fashioned trên tay. Nó sẽ khiến bạn suy ngẫm sâu xa về cuộc đời mình.
Hãy bật mí cho The Dot Magazine về những bài hát mà anh lựa chọn?
Bắt đầu với bài “Day One” của HONNE – kinh điển và dễ nghe. Tiếp theo đến ca khúc “Meet Me In Amsterdam” của ca sĩ Rini – một lựa chọn tuyệt vời để vừa nghe, vừa nhấp môi ly whisky. Kế tiếp là bài “Changes” của Bernat. Bài hát có khả năng kì diệu làm bạn hài lòng với cuộc sống đơn độc của mình.
“Fallen” của Gert Taberner có thể sẽ làm bạn nhỏ vài giọt nước mắt xuống ly whisky của mình. Nhưng đừng lo, bản nhạc “Color Me” kế tiếp của Juke Ross sẽ khiến bạn vui vẻ trở lại, với câu từ đẹp và giai điệu êm dịu. “Line By Line” của PREP cũng khá vui tươi, phù hợp bật lên khi bắt đầu bữa tiệc.
Khúc “San Francisco Street” của Sun Rai đưa anh về một tuổi thơ đẹp. “Losing Interest” của Shiloh cũng vậy. Rất dễ nghe, và là người bạn đồng hành tuyệt vời khi bạn ngồi quầy bar một mình.
“Yeah Right” của Joji là một bài hát playboy thực thụ, với beat hip-hop đặc trưng và câu từ thẳng thắn. Nhưng để ý kỹ thì bài hát này cũng khá lãng mạn. Anh mê nó đến nỗi iTune của anh còn có phiên bản replay một tiếng bài hát này.
Và cuối cùng là ca khúc “Don’t Give Up On Me” của Andy Grammar. Bài hát khép lại bản Mix cũng là bài hát mạnh mẽ nhất. Dù cuộc sống khó khăn, sẽ luôn có những hy vọng phía trước và không bao giờ là quá muộn để tiếp tục cố gắng.
Photos by Nam Tran Duy