Nhà Thiết Kế Chữ Nghệ Thuật Lê Quốc Sỹ Thời Hiện Đại

Là một trong những nghệ sĩ theo đuổi và tìm hiểu về nghệ thuật vẽ chữ tay đầu tiên của Việt Nam, Lê Quốc Sỹ đời thường rất giản dị trong không gian quán cafe xanh ngắt cây cối của riêng mình tại Hà Nội, và đặc điểm nhận dạng của Lê Quốc Sỹ chính là mái tóc xù khiến The Dot Magazine ấn tượng để tìm tới và trò chuyện về cảm hứng đến với bộ môn nghệ thuật hand lettering của anh.

Read on in English

“Mình đến với công việc này một cách cũng tình cờ thôi”, Lê Quốc Sỹ bắt đầu chia sẻ về cơ duyên của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học mình có làm việc với vai trò là một graphic designer cho công ty agency thành phố, công việc hằng ngày của mình là thiết kế các tấm banner, poster, các ấn phẩm in ấn, quảng cáo…từ đó mình bắt đầu tiếp xúc với các con chữ, trực tiếp ở đây là các font chữ trên máy vi tính. Sau một thời gian lặp đi lặp lại công việc đó, một phần nào cảm thấy nhàm chán với những font chữ có sẵn nên mình đã tìm cách tự phác thảo, tự vẽ ra những kiểu chữ khác biệt và độc đáo hơn để ứng dụng vào trong công việc của mình. 

Mình bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc về lettering (nghệ thuật vẽ chữ) từ cuối năm 2013, khi đó Lê Quốc Sỹ có lập ra một project cá nhân về lettering tên là THE RAWTYPE, ban đầu mình thiết kế chữ lên áo phông để bán, lợi nhuận thu được từ việc đó mình dùng để mua sách về học thêm, mua họa cụ để trau dồi kĩ năng.

Lê Quốc Sỹ, nghệ sỹ vẽ chữ tay với mong muốn mang niềm đam mê của mình chia sẻ với mọi người.

Sau một vài năm học tập và rèn luyện, đến năm 2016, mình quyết định làm workshop đầu tiên tại Hà Nội để đưa lettering đến với mọi người, các năm sau đó mình đều tổ chức ở cả Hà Nội và Sài Gòn và rất vui khi đa phần mọi người đều đón nhận nó.

Anh có gặp khó khăn nào trên hành trình của mình không?

Khó khăn thì có nhiều lắm” – Lê Quốc Sỹ nhớ lại. Ngay từ khi tiếp cận với lettering mình đã gặp khó khăn về việc tìm kiếm tài liệu cũng như nguồn kiến thức cơ bản về mặt lý thuyết, mình tự tìm và dịch các tài liệu từ nước ngoài trên internet và nhờ một số bạn bè chuyên ngữ giúp mình dịch sâu hơn về các từ chuyên môn. Khi bắt đầu thực hành lại bị hạn chế về mặt công cụ, đã không ít lần mình tự chế ra những chiếc bút hay những chiếc cọ vẽ riêng để phục vụ cho việc luyện tập.

Khó khăn lớn nhất của cuộc hành trình này chính là tìm kiếm cho mình những người bạn đồng hành ở bộ môn này. Những bạn trẻ vẽ chữ theo xu hướng hiện đại như mình bấy giờ còn rất ít nhưng may mắn cho mình cũng đã tìm thấy vài người bạn đồng hành, tuy mỗi người sinh sống và làm việc ở một nơi khác nhau nhưng vì có chung đam mê và sở thích, dần dần bọn mình cũng tạo dựng được một cộng đồng nho nhỏ những người theo đuổi con đường này ở Việt Nam.

https://www.youtube.com/watch?v=6NrxHXJdess

Động lực nào khiến anh quyết tâm đi trên con đường này?

Tình yêu đối với các con chữ là động lực lớn nhất để mình quyết tâm đi trên con đường này”, anh gật đầu. Mình muốn ở đâu có chữ đều sẽ đẹp và phù hợp với nơi đó, từ những tấm biển quảng cáo trên đường phố, tới những bao bì của tất cả các sản phẩm được bày bán trong siêu thị, sách báo tạp chí, băng đĩa nhạc, quần áo thời trang…everything…

“Chữ nghĩa là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, nó truyền tải thông tin thay cho lời nói, vì thế nếu đủ thì rất tốt, nhưng vừa đủ vừa đẹp thì sẽ tuyệt vời hơn”.

Vậy còn áp lực lớn nhất trong công việc của Anh thì sao? Anh làm cách nào để có thể tập trung và cân bằng nó?

Chuyên môn và công việc chính của mình là graphic design, một công việc đòi hỏi tính sáng tạo cao đồng thời cũng kéo theo đó nhiều áp lực. Tuy nhiên đối với việc làm chữ nói riêng, mình cố gắng giảm thiểu áp lực đối với nó một cách tối đa.

Thật ra mình có một áp lực, hay gọi nó là nỗi sợ hãi thì đúng hơn: đó là khi mình dành thời gian cho chữ quá nhiều, làm mọi thứ với chữ quá nhiều, mình sợ một ngày nào đó mình cũng sẽ cảm thấy nó nhàm chán giống như những font chữ trên máy tính ngày xưa vậy.

Mỗi khi hoàn thiện xong một tác phẩm chữ hay xong những công việc liên quan đến chữ, mình dành một khoảng thời gian nghỉ ngơi, không đụng tới nó nữa và làm các công việc khác mà mình thích không liên quan gì tới thiết kế hay chữ cả, ví dụ như nghe nhạc hoặc tìm nhạc mới để nghe, đi chụp ảnh, gặp gỡ bạn bè hay dành thời gian cho gia đình bằng cách nấu ăn hay làm những công việc nhà… đó chính là cách để mình cân bằng việc làm chữ với những thứ khác. Sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi khi quay lại với các con chữ phần nào mình cũng sẽ có thêm nhiều cảm hứng để sáng tác hơn.

Anh có kỷ niệm đặc biệt nào trong công việc này không?

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình có lẽ là vào tháng 1 năm 2019, mình có vào Sài Gòn để tham dự một workshop về kẻ chữ mạ vàng của hai anh chị người Mỹ. Khi đó mình được tiếp cận và trực tiếp thực hành trên một chất liệu hoàn toàn mới mà trước đó cũng chưa có điều kiện để thử. Đồng thời trong chuyến đi đó mình được gặp mặt rất nhiều bạn bè có chung sở thích giống mình nhưng ở xa, khi đó chúng mình mới có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những thứ liên quan tới nghệ thuật chữ.

Bí quyết để luôn sáng tạo của Lê Quốc Sỹ?

Ý tưởng thì có rất nhiều và nhất là vào thời đại 4.0 như bây giờ, bạn có thể tìm thấy vô vàn thứ tạo cảm hứng trên internet, tuy nhiên mỗi khi cần trau dồi ý tưởng mình thường mang những cuốn sách về nghệ thuật chữ mà mình đã sưu tập được ra để nghiền ngẫm, mình thích lật qua lại những trang sách hơn là cuộn chuột máy tính, những thứ cần thiết luôn được bookmark lại và xem lại một cách dễ dàng.

Ngoài ra âm nhạc cũng là một trong những thứ tạo cảm hứng bất tận cho mình.

Những tác phẩm chữ của Lê Quốc Sỹ.

Mọi người xung quanh nhận xét thế nào về những điều Anh đang làm?

Đây không phải là vấn đề khiến mình bận tâm nhiều lắm vì tất cả những thứ mình làm đều xuất phát từ chính con người mình.

Tất nhiên phải có một niềm yêu thích đặc biệt thì mình mới theo đuổi nó tới tận bây giờ, tuy nhiên mình cố gắng tạo lập cho mình một suy nghĩ là mình sẽ không coi đây là một công việc, bởi có một câu nói rất hay mà mình đã từng được nghe là: “Nếu như bạn yêu một thứ gì đó thì đừng biến nó thành một công việc, bởi vì sẽ không thấy vui.” Mình cũng không nghĩ mình là một họa sĩ hay một nhà thiết kế chữ nghệ thuật, đối với mình thì chơi với chữ là một thú vui vậy thôi.

Ai cảm thấy thích họ sẽ khen ngợi, động viên, ai không thích họ sẽ thắc mắc, tranh luận, chê bai hoặc chỉ trích. Nhưng đa phần mình đều nhận được những sự động viên theo chiều hướng tích cực. Bởi cái mình đang theo đuổi tuy đã có mặt trên thế giới từ rất lâu nhưng ở Việt Nam nó vẫn còn là một môn nghệ thuật vô cùng mới mẻ và mình đã và đang cố gắng để mang nó tiếp cận với tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ đang học thiết kế.

“Mình là người cẩn thận, chỉnh chu và cầu toàn” Lê Quốc Sỹ thừa nhận.

Mức độ yêu thích của Anh dành cho công việc này?

Lê Quốc Sỹ trong cuộc sống thường ngày và trong công việc có khác nhau?

Sẽ có sự khác nhau. Trong cuộc sống thường ngày, mọi người thường cố gắng hướng tới sự vui vẻ, thoải mái nên đôi khi có thể trêu đùa, cười cợt cùng mình nhưng trong công việc đó là điều tối kị, khi làm việc mình luôn làm một cách tập trung và nghiêm túc nhất.

Nếu dành 3 tính từ để tự hoạ chính mình, đó sẽ là?

Cẩn thận, chỉn chu, và chính vì hai điều đó nên đôi khi mình hơi cầu toàn.

Anh có đang “ấp ủ” một dự định hoặc thử thách bản thân mình ở một lĩnh vực khác trong lương lai?

Cái này thì có, mình đã và đang thực hiện. Mình là một người yêu thích, hay nói cách khác là bị “nghiện” cà phê, một thức uống giúp tỉnh táo để có thể làm việc và sáng tạo. Từ trước tới giờ công việc của mình đa phần là freelance nên mình rất hay ra các quán cà phê để ngồi làm việc. Vì thế mình đã quyết định thử mở một tiệm cà phê nho nhỏ của riêng mình, đến nay cũng đã được hơn 2 tháng và vẫn còn khá nhiều thứ thú vị đang chờ mình khám phá phía trước, mình nghĩ vậy.

Và, bản guest mix khơi gợi cảm hứng mà Lê Quốc Sỹ đã chọn để gửi tới The Dot Magazine là?

Bài hát đầu tiên nói về chủ đề gia đình, “Messi” của The Fur. Bài hát vẽ về một chủ đề rất hay đó là những người già cô đơn. Hiện mình không ở gần Bà nên mỗi khi nghe bài hát này mình cảm thấy rất nhớ Bà nội ở nhà, chỉ muốn về ngay để trò chuyện và chăm sóc cho Bà.

Ngày hôm qua” của Quái Vật Tí Hon nhắc nhở mình rằng thời gian trôi đi rất nhanh. Hãy giữ mãi những kí ức về tuổi thơ vì nó luôn đẹp và trong sáng, mình nghe bài hát này trên mỗi chuyến đi xa, ngồi trên máy bay hay ngồi trên ô tô nghe rất thoải mái.

The Ultracheese” của Arctic Monkeys là một bài hát mình rất thích về phần nhạc, tuy phần lời không đc vui nhưng mình vẫn muốn đưa nó vào playlist này vì một phần mình cũng là fan của Arctic Monkeys.

Một chút loay hoay với những vấn để của bản thân để đi tìm đến “No Man’s Land” của Sunset Rollercoaster, đôi khi bọn chen giữa bộn về cuộc sống bạn lại muốn tìm đến những vùng đất không có người.

Mỗi khi cảm thấy stress hay mệt mỏi thì “I’ll Be Alright” của Bạch An lại như một lời an ủi và động viên đối với mình. Những lúc tâm trạng tồi tệ nhất, mình cũng hay dùng “Cigarette” để giải tỏa căng thẳng, người ta thường nói thuốc là ko tốt cho sức khỏe nhưng tốt cho tâm trạng…cứ như vậy thôi rồi để mọi thứ “Let It Go”.

“Bài hát “Wonder” của ADOY rất thích hợp để lắng nghe khi đi dạo quanh Hồ Tây” – Lê Quốc Sỹ chia sẻ.

Wonder” của ADOY là một bài hát sẽ rất thích hợp khi bạn đi dạo hoặc chạy xe vòng vòng trong thành phố, mình hay nghe bài này khi đạp xe đạp quanh Hồ Tây, nó tạo cho mình cảm giác thư thái cũng như thư giãn thực sự. Nghe “Slow” của Sunset Rollercoaster để được cảm giác sống chậm lại một chút.

Cuối cùng là “25” của The Fur, một bài hát đơn giản nhưng lại mang đến nhiều cảm hứng cho mình. Có một thông điệp mình muốn mượn lời bài hát để gửi tới mọi người đó là “If you keep silent you’d never get the thing you wanna get. Until your body is discovered in the backyard of regrets”

Hình chụp bởi Khooa Nguyễn


You might also like

Đừng Bỏ Lỡ 5 Địa Điểm Ăn Uống Mới Hot Nhất Hà Nội Hiện Nay

Đừng Bỏ Lỡ 5 Địa Điểm Ăn Uống Mới Hot Nhất Hà Nội Hiện Nay

Minh Tân Hospitality – Người Nắm Giữ Chuỗi Quán Bar Nổi Tiếng Tại Sài Gòn

Minh Tân Hospitality – Người Nắm Giữ Chuỗi Quán Bar Nổi Tiếng Tại Sài Gòn

Một Sài Gòn Cũ Kỹ Qua Đôi Mắt Của Người Mẫu, Nghệ Sĩ Và Quản Lý Marketing Thương Hiệu Bia Tê Tê Tiến Ngọc Nguyễn

Một Sài Gòn Cũ Kỹ Qua Đôi Mắt Của Người Mẫu, Nghệ Sĩ Và Quản Lý Marketing Thương Hiệu Bia Tê Tê Tiến Ngọc Nguyễn

Trải Nghiệm 8 Địa Điểm Ăn, Uống, Xả Hơi Tại Sài Gòn

Trải Nghiệm 8 Địa Điểm Ăn, Uống, Xả Hơi Tại Sài Gòn


Copied

Câu chuyện khác

subscribe us