Kim Lý là ngôi sao sáng của điện ảnh Sài Gòn. Anh đã sản xuất và thủ vai chính trong hai bộ phim, và là gương mặt quen thuộc của vô vàn tạp chí, do mối quan hệ tốn giấy mực của anh và ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Kim Lý hiện đang bận rộn với dự án chuyển thể tiểu thuyết The Sympathizer thành một tác phẩm trên màn ảnh và xây dựng những thương hiệu riêng của anh mang tên Nectar và Airinum.
Đọc bài viết bằng tiếng Anh
Quay trở về Việt Nam chưa được bao lâu, Kim Lý đã nhanh chóng dành được sự chú ý với vai diễn trong bộ phim Hương Ga năm 2014. Chàng diễn viên điển trai người Thuỵ Điển gốc Việt quyết trở về quê hương của cha mình, sau những chuyến bay dài do tính chất công việc giữa LA và Thuỵ Điển, một phần cũng bởi những cơ hội tiềm năng trong ngành điện ảnh nước nhà. Vào năm 2018, anh đạo diễn và thủ vai chính trong Vệ sĩ Sài Gòn với sự xuất hiện của Thái Hoà, sau đó được đề cử giải Cánh Diều Vàng cho phim truyện xuất sắc nhất. Song gần đây, anh ít xuất hiện hơn trên màn ảnh, lui về “hậu trường” để đưa tiểu thuyết The Sympathizer lên màn ảnh nhỏ. Cùng với đó là sự ra đời của thương hiệu nước ép và sinh tố, Nectar và hãng mặt nạ cao cấp Airinum của riêng anh. Thi thoảng, người ta cũng bắt gặp anh tay trong tay cùng Hồ Ngọc Hà tham dự những sự kiện giải trí lớn nhỏ.
Chúng tôi tìm đến Kim Lý để nghe anh kể về sự nghiệp làm phim cũng như những bài hát trong phim ưa thích nhất của anh. Trong khung cảnh retro đầy nghệ thuật của rạp hát Hoà Bình Quận 10, Kim Lý chia sẻ với chúng tôi mười bài hát nhạc phim mà anh ấn tượng nhất, một màu sắc mới trong chuỗi xê-ri Guest Mix của chúng tôi.
Âm nhạc có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Âm nhạc với anh có ý nghĩa rất lớn. Anh luôn được bao quanh bởi âm nhạc, và thể loại nhạc anh nghe thường nói lên “tiếng lòng” của anh hay trạng thái cảm xúc mà anh đang cố hướng đến. Vậy nên những bài hát anh nghe trên iTunes hay YouTube – thú thực thì anh không thường dùng Spotify – thường sẽ khá thích cực, để anh có thể thư giãn và cảm thấy lạc quan hơn.
Âm nhạc tiếp nguồn năng lượng dồi dào và tạo cảm hứng cho anh rất nhiều. Anh hay nghe “Afro Trap” của MHD trước khi đi tập. Hoặc những bản nhạc cũ kỹ nhưng kinh điển như “The Look of Love” của Burt Bacharach và Hal David khi anh có khuynh hướng nội tâm một chút. Anh mê đắm những bản nhạc trữ tình với sự nhấn nhá của saxophone và giọng hát đầy cảm xúc. Đây là bản nhạc trong bộ phim Casino Royal – cũng hợp với chủ đề nhạc phim mà anh vừa đề cập tới.
Trải nghiệm ý nghĩa đầu tiên của anh với âm nhạc là…?
Là từ lúc mẹ anh chơi khúc dạo đầu bằng cây sáo từ bản “The Magic Flute” của Mozart, một tác phẩm âm nhạc kinh điển cho đến tận bây giờ.
Lớn lên tại Thuỵ Điển, anh có rất nhiều trải nghiệm ý nghĩa với âm nhạc. Một số nói ra thì khá xấu hổ, như hồi anh mới bước vào tuổi teen, vào giữa những năm 90, anh cực thích nghe bài “Cotton Eye Joe” của Rednex. Dù không biết bài hát đang nói về cái gì, hay thậm chí Cotton Eye Joe là ai, nhưng giai điệu của đàn banjo và violin khiến bọn anh cảm thấy bị thu hút. Ban nhạc đó người Thuỵ Điển, và tác phẩm này được ra mắt bởi hãng Warner Music.
Rồi những bản nhạc đánh dấu mốc “mới lớn” như “Summer of ’69” của Bryan Adams và “Right Here Waiting” của Richard Marx. Những bản nhạc đậm chất “sến” của thời yêu đương lông bông tuổi trẻ.
Âm nhạc có vai trò thế nào trong cuộc sống thường nhật của anh?
Nói thế này nghe rất “sách vở”, nhưng âm nhạc với anh quan trọng như việc thở vậy. Ngay từ giây phút đặt chân xuống giường sau khi thức dậy , việc đầu tiên anh làm là kết nối iPhone với loa Bose và bật vài bản nhạc vui. Bài nào thích, anh nghe đi nghe lại đến khi nào chán thì thôi.
Nhưng cũng có những ca khúc chẳng bao giờ làm anh chán, như “Under The Bridge” của Red Hot Chili Peppers. Anh đọc ở đâu đó rằng ca sĩ chính Anothy Kiedis của ban nhạc soạn ra bài hát này, nhưng không chia sẻ với ban nhạc vì nghĩ nó không phù hợp với thể loại âm nhạc cả nhóm đang theo đuổi. Song nhà sản xuất âm nhạc Rick Rubin đã “nhúng tay” vào và tạo nên một tác phẩm tuyệt vời đầy cảm xúc, nói về cảm giác xa lạ với những người bạn vốn rất thân của mình, nhưng lại kết nối hoàn toàn với nơi mình đang sinh sống. Anh cũng cảm thấy như vậy về thành phố Sài Gòn. Bài hát này tiết lộ những cảm xúc luôn được giấu kín của một ban nhạc, khiến họ trở nên giống như bao người bình thường khác.
Một bài hát kinh điển nữa là “Tiny Dancer” của danh ca huyền thoại Elton. Bản nhạc đẹp tựa như những tia nắng ở LA, nơi nó được tạo nên. Giọng hát trầm bổng đầy nội lực của Elton luôn khiến anh xúc động mỗi lần nghe nhạc của ông.
Thể loại âm nhạc nào bị đánh giá thấp? Loại nhạc nào được tung hô quá đà?
Ở Scandinavia mọi người hay nghe nhạc kim loại, nhưng anh chẳng thể hiểu được cái hay trong thể loại nhạc đó hay những ban nhạc như Rammstein.
Còn bị đánh giá thấp ư? Mặc dù hiện tại hip hop đang làm mưa làm gió trong lòng người yêu âm nhạc khắp thế giới, đã từng có một giai đoạn nó chỉ là nhạc “chui”, và cũng không có “cửa” trở thành âm nhạc được đông đảo người nghe đón nhận. Những album xưa cũ như “It Was Written” của Nas từ năm 1996 không có sức ảnh hưởng đáng kể ở Thuỵ Điển. Nhưng giờ thì rap và hip hop hiện hữu khắp mọi nơi!
Nếu được bật một bản nhạc duy nhất để khiến một người rơi vào lưới tình với âm nhạc, anh sẽ bật bài hát nào?
Thập niên của âm nhạc Motown đầy rẫy những bài hát không thể bỏ qua. Những nghệ sĩ như Stevie Wonder, hay những ban nhạc như The Four Tops và The Miracles. Là một nhánh quan trọng trong lịch sử phát triển âm nhạc Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, nhạc Motown còn xoá tan ranh giới chủng tộc tại Mỹ những năm 60.
Vậy nên bài hát anh chọn sẽ thuộc thể loại Motown, bài hát “My Girl” của The Temptations. Ngập tràn cảm xúc nhưng lại được thể hiện rất đơn giản đúng chất nhạc pop, và các hoà âm chuẩn tuyệt vời. “I got sunshine, on a cloudy day…”
Còn bài “Can’t Get Enough Of Your Love Girl” của Barry White nữa. Anh chọn hai bài có được không?
Anh hãy miêu tả bản Mix trong một vài câu chữ?
Một bản nhạc ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong sự nghiệp làm phim của anh.
Người nghe sẽ có tâm trạng ra sao khi nghe bản Mix này?
Buồn. Vui. Điềm đạm. Mỗi bài hát cho một cảm xúc khác nhau.
Nên nghe bản Mix này ở đâu?
Trong một rạp phim trống rỗng, với bỏng ngô, nước ngọt (hay nước ép Nectar nếu muốn “heo-thì” hơn). Cảm nhận sâu lắng âm thanh và hình ảnh đẹp tuyệt của chúng.
Hãy cụ thể hoá mười bài hát mà anh đã chọn?
Đầu tiên là bản “Now We Are Free Super Theme Song” từ Gladiator. Bài hát này vừa tràn đầy hi vọng, vừa mang khuynh hướng hoà bình, được thể hiện bởi Hanz Zimmer và Lisa Gerrard. Cô nàng hát bằng thứ ngôn ngữ được cho là “ngôn ngữ của trái tim”.
Vẫn chủ đề những bộ phim nỏi tiếng, nhưng chuyển sang vùng miền Tây nước Mỹ nhé! Ennio Morricone được cho là nhà soạn nhạc sống huyền thoại bậc nhất. Hãy thử nghe The Good, The Bad, And The Ugly và bạn sẽ cảm nhận được hết những điều mà anh đang ca ngợi. Một tác phẩm “Spaghetti Western” nữa – một thuật ngữ ám chỉ sự ảnh hưởng của cộng đồng người Ý lên thể loại nhạc này. Những bộ phim này nói về những nhân vật xảo quyệt, luôn phản bội đồng đội và kết quả là những cuộc đối mặt căng thẳng luôn xảy ra.
Kế tiếp là bản “Man With A Harmonica Theme” đầy sướt mướt từ Once Upon A Time In The West. Những bản nhạc như thế này khiến anh luôn liên tưởng nhạc cụ kèn acmonica gắn liền với các vùng sa mạc.
Tiếp theo là một bài hát kinh điển của Lalo Schifrin mang tựa đề “Bullitt Main Title”. Giai điệu quyến rũ mang âm hưởng nhạc jazz này sẽ khiến bạn nhớ về thành phố San Francisco đầy chất nghệ sĩ. Thật khó để bỏ qua những bản nhạc phim cổ điển như “The Godfather Theme Tune”. Đây thực ra là bản nhạc không lời của “Speak Softly Love” được thể hiện bởi Nino Rota. Không có lời, bản nhạc ngây ấn tượng bởi giai điệu violin trầm bổng và những nốt nhạc du dương.
Sau đó là bài hát “A Real Hero” của College & Electric Youth từ nhạc phim Drive. Bài hát mạnh mẽ và hoài cổ đến nỗi, bạn sẽ dễ dàng bị thuyết phục rằng nhân vật do Ryan Gosling thủ vai có một tâm hồn thật trong sáng (mặc những chuyện anh ta đã làm). Đó là sức mạnh của âm nhạc và một bản nhạc phim hay.
Ca khúc tiếp theo sẽ hơi uỷ mị một chút, nhưng kệ chứ. Bản “Raindrops Keep Falling On My Head” được trình bày bởi B.J. Thomas cho bộ phim Butch Cassidy and the Sundance Kid. Và cảnh báo trước này, tâm trạng của bạn sẽ xuống dốc thảm hại khi nghe bài hát tiếp theo “Judgement Day Theme” của Terminator 2 đó.
Dù rất ưng bài “Gonna Fly Now” bởi Bill Conti, anh quyết định sẽ lựa chọn “No Easy Way Out” từ phim Rocky IV. Giai điệu nhạc rock mạnh mẽ của thập niên 80 được thể hiện sâu sắc trong bài hát này. Thích hợp nằm gọn trong tuyển tập album giúp bạn tỉnh táo khi lái xe xuyên màn đêm.
Rồi bài “Stand By Me” bất hủ của Ben E King từ bộ phim nổi tiếng với sự xuất hiện của những ngôi sao điện ảnh như River Phoenix và Will Wheaton. Ra mắt lần đầu tiên năm 1961, bài hát được thu âm lại hơn 400 lần với những phiên bản nổi tiếng như của ca sĩ John Lennon, nhưng anh vẫn thích bản gốc nhất. Đơn giản, mộc mạc và chạm đến trái tim người nghe trong từng nốt nhạc.
Và cuối cùng, chúng ta kết thúc bản Mix với chút nhạc rap sôi động – bản nhạc “You Can Do It (Uncensored)” của Ice Cub từ bộ phim Next Friday.
Photos by Nam Tran Duy