Trong thời gian gần đây, khi văn hoá và bản sắc dân tộc ngày càng được quan tâm, Khoa Chim – Co-founder của Vietnamme – một nghệ sĩ trẻ độc lập, luôn mong muốn lấy giá trị Việt Nam làm gốc và tìm hướng tiếp cận gần gũi, tích cực nhất với giới trẻ hiện đại.
Read on in English
Gặp và trò chuyện cùng The Dot Magazine, Khoa Chim xuất hiện trông khá lạ với vài chiếc khuyên trên người tưởng chừng rất khó gần. Nhưng không phải vậy “Nó là một phần cơ thể và là những thứ nói lên bản thân mình.” Khoa cười giải thích.
“Chúng mình không phải những người ghi lại dòng thời gian. Nhưng ở mỗi thời kỳ đều có những người tinh hoa, văn minh và biết quan tâm tới văn hoá. Vậy nên thế hệ của chúng mình, ở thời điểm này cũng cần những người như vậy.”
Khoa đã làm khá nhiều project, bởi Khoa Chim luôn mong muốn trở thành một format creator, để có thể sáng tạo theo cách của riêng mình. “Từ nhỏ mình đã tự làm những dự án cá nhân rồi, vì đó là một bằng chứng thiết thực nhất cho những thứ mình tự hào mô tả về bản thân. Khoa Chim làm hoạt động xã hội (vì không làm sẽ không chịu được), đam mê nghệ thuật nói chung và đặc biệt có những cảm hứng bất tận đối với văn hoá bản địa. Từ đó, hình thành nên lý tưởng tạo ra một “sinh quyển sáng tạo” của riêng mình – mà ở đó nghệ thuật và những giá trị của Việt Nam được giao hoà.
Bạn có nhớ project đầu tiên mà bạn thực hiện như thế nào?
Dự án đầu tiên của mình (làm cùng một người bạn) là về chủ đề trầm cảm. Tại thời điểm cụm từ “trầm cảm” mới xuất hiện, thì việc mọi người sử dụng và gắn mác với nó quá dễ dàng. Đó là một chứng bệnh cần phải được nhìn nhận đúng. Cơ mà ở thời điểm đó, nhiều người Việt Nam thậm chí còn nhầm lẫn giữa trầm cảm và tự kỉ cơ. Với dự án nhỏ đó, Khoa muốn đưa đến cho mọi người một cách nhìn nhận đúng hơn, thật hơn về Trầm Cảm, từ góc độ của của một người đã trải qua (nhân vật trong bộ hình). Khoa nghĩ rằng “Nếu ai đó thiếu khái niệm về cái gì, thì mình không nhất thiết phải chỉ trích hay thù ghét họ. Mà thiết thực hơn là hãy cung cấp thêm thông tin cho họ về điều đó.”
Dự án đó giúp Khoa nhận ra từ sâu thẳm bên trong, mình không ghét sự nổi tiếng đến vậy. Vì mình thực sự muốn có tiếng nói lớn hơn, để được thể hiện quan điểm, lý tưởng, từ đó tạo nên những tác động tích cực đến cộng đồng. Mình sẵn sàng là người đứng sau và cả là người đứng trước “sân khấu”, nếu nó mang đến cho xã hội những ảnh hưởng tốt.
Khoa biết mình còn nhỏ bé lắm. Vậy nên Khoa rất hy vọng có thể kết nối nhiều hơn với những người có sức ảnh hưởng (influencers) có cùng lý tưởng. Để rồi cùng nhau hỗ trợ và làm thêm nhiều dự án thiết thực cho Việt Nam.
Bạn tìm kiếm và trau dồi ý tưởng từ đâu cho những sản phẩm của mình?
Với tất cả những ý tưởng, mình đều bắt đầu từ bản thân mình. Vì mình tin bản thân mỗi người là thứ nguyên bản duy nhất còn tồn tại. Vả lại, việc sáng tác bắt đầu bên trong như vậy, thì mình mới biết mình muốn và thiếu gì, đặng còn đưa ra giải pháp sáng tạo phù hợp.
Bản thân mình dù làm gì ở đâu cũng mang theo một giá trị Việt Nam bên trong. Đó là lý tưởng sống của mình. Và đồng thời đó cũng là ngọn nguồn cảm hứng cho những sáng tạo của mình. Mình tin, sản phẩm của mình sẽ luôn đến từ tiềm thức Việt Nam, của mình và của mọi người.
Mọi người xung quanh nhận xét thế nào về những điều bạn đang làm?
Công việc của Khoa Chim phân ra hai mảng: Sáng tạo và Nghệ thuật cộng đồng. Có lẽ mọi người biết tới Khoa Chim nhiều hơn ở mảng nghệ thuật cộng đồng, hoạt động xã hội nhỉ? Mọi người thường nghĩ điều này sẽ là thứ gì đó rất lớn lao, và đứa nào rảnh mới đi làm cái này, nhưng sự thật có vẻ không phải là vậy. :))) Mình làm vì mình, cho mình. Nên mình thấy thích, thấy bản thân phát triển cùng nó được. Vậy thôi.
Mức độ yêu thích của bạn dành cho công việc hiện tại như thế nào?
Mình thích và cảm thấy may mắn với những công việc mà mình đang làm. Nếu nghề chính của mình cho mình biết thêm về truyền thông, Marketing. Nếu các hoạt động xã hội cho mình gần gũi hơn với khối cư dân bản địa và cơ hội để đóng góp cho cộng đồng. Thì nghệ thuật cho mình “sân chơi” để thể hiện con người, tư duy và lý tưởng.
Mình có một căn bệnh. Đó là nếu khoảng 2 – 3 tháng không tạo ra được điều gì đó mới mẻ, hoặc không sáng tác, thì mình sẽ cảm thấy bứt rứt và khó chịu vô cùng.
Bạn có thể chia sẻ về những khó khăn trong hành trình đã qua của mình không?
Cuộc đời Khoa có nhiều biến cố và khó khăn, nhưng khi mọi thứ tới, Khoa đều cố gắng giải quyết một cách tích cực và thật thà với chính mình nhất. Vậy nên, thường thì Khoa và team sẽ xem những khó khăn như một câu đố. Và nhiệm vụ của mình là tìm ra lời giải thích hợp thôi. Nên chẳng có vấn đề gì quá to tát.
Cứ làm thôi, chứ đừng tốn thời gian chần chừ. Vì khi làm thì mình mới biết được tình trạng như thế nào để đối mặt tiếp. Nếu làm đúng thì vui, còn làm sai thì làm lại và tránh được một khả năng chưa chính xác.
Khoa nghĩ thế hệ của Khoa đề cao sự hợp tác giữa mọi người với nhau. Vậy nên, những lúc khó khăn, Khoa cũng thường thẳng thắn tìm kiếm các nguồn lực từ bên ngoài. Để mọi người có thể giúp đỡ và hỗ trợ lúc cần thiết. Khoa tin xã hội mình còn nhiều người tốt lắm. Quan trọng là bản thân mình có đủ tử tế và đủ khả năng, để người ta yên tâm thể hiện lòng tốt đó hay không thôi. Và thật là trên đường mình đi, Khoa đã luôn gặp rất nhiều anh chị, bạn bè tốt như vậy.
Động lực nào khiến bạn vẫn quyết tâm tới vậy?
Đối với Khoa, lựa chọn duy nhất là bước tới thôi. Vì Khoa hiếm khi sợ thay đổi và thậm chí còn muốn khám phá thêm những điều mới. Vậy nên khi đã xác định mục tiêu rồi, Khoa sẽ liên tục lao về phía trước để đạt được. Vả lại Khoa cũng khá yên tâm rằng, trên con đường lý tưởng mình đi, cũng sẽ luôn gặp những người khác giống mình. Do đó luôn có bạn, cho dù không đi chung đường với mình, nhưng mình biết họ có đích đến giống mình. Vậy nên mình và họ sẽ luôn giúp đỡ nhau và luôn nhìn về phía sau để thấy mình không cô đơn.
Văn hoá phương Tây và văn hóa phương Đông, nền văn nào đang được coi trọng hơn?
Khoa thấy hầu hết mọi người đang chọn đề cao văn hoá phương Tây và đi theo nó. Khoa nghĩ đó là một nhu cầu chính đáng thôi. Vì đơn giản, mọi người nhìn thấy hình ảnh của chính mình tốt hơn với văn hoá đó. Khoa tôn trọng quyết định này.
Còn việc của tụi mình, đơn giản chỉ là nỗ lực hết sức để góp phần gia tăng nội lực, sức hấp dẫn của những gì thuộc về đất nước mình (điển hình là Sáng Tạo). Để chúng trở nên vững vàng, tự tin cạnh tranh công bằng trên thị trường và tiến gần với nhu cầu của khối cư dân người Việt đương thời – những-người-đưa-ra-lựa-chọn.
Với mình, bản sắc làm nên sự khác biệt và giúp cho sự nghiệp của mình tốt hơn.
Nếu dành 3 tính từ để tự hoạ chính mình, đó sẽ là?
Điên, Tử Tế, Quyết liệt.
Bạn có đang “ấp ủ” một dự định hoặc thử thách bản thân mình ở một lĩnh vực khác trong lương lai?
Thực sự thì khi làm Vietnamme trong suốt một năm qua, mình hầu như đã thực hiện hoá được hết những ước mơ từ thửo nhỏ của mình. Ví du như: làm một dự án về Việt Nam, làm Art Talk, làm triển lãm, làm quản lý, hay có một cộng đồng người theo dõi mình nhất định, tham gia một chương trình giao lưu quốc tế…
Do đó, mình dần rơi vào trạng thái không có đích đến tiếp theo. Cũng khủng hoảng lắm, suy nghĩ hoài không có giải pháp. Nên mình đành quyết định để não nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng và sống đơn giản. May thay, sau 2 tháng, thì cuối cùng Khoa cũng đã “phục hồi” và biết mình muốn làm gì tiếp theo.
Khoa hi vọng, thời gian tới mình sẽ thử thách bản thân với một format mới về tạp chí và dấn thân vào lĩnh vực xuất bản. Và dĩ nhiên vẫn luôn là những câu chuyện về Việt Nam và nghệ thuật, được thể hiện dưới góc nhìn mới mẻ.
Và cuối cùng, dự án mà Khoa Chim sẽ chia sẻ cùng The Dot Magazine?
#1 Triển lãm nhiếp ảnh tĩnh vật #VIETNAMME 01: VIỆT NAM TRONG TIM MÌNH
Không lựa chọn cách khai thác các yếu tố Việt Nam/ truyền thống theo lối mòn, các tác phẩm trong #VIETNAMME 01 được truyền tải theo quan điểm: “Văn hoá Việt Nam/ truyền thống phải sống được trong bối cảnh hiện đại, tiếp nhận cảm hứng toàn cầu nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc nội tại”. Nói một cách khác, các tác phẩm trong triển lãm chính là sự giao hoà giữa những yếu tố Việt Nam với các không gian hình ảnh mới mẻ và hiện đại. Qua đó, sự thú vị được hình thành từ những kết hợp mới lạ, giúp gợi nhớ cho người xem về những bánh trái/ vật dụng đời thường của Việt Nam, ở một tâm thế trân trọng hơn.
#VIETNAMME 01 là một không gian trải nghiệm, mà ở đó người xem không chỉ được dạo chơi với nhiếp ảnh mà còn có cơ hội được trò chuyện, nếm thử những bánh trái truyền thống và đặc biệt sử dụng công nghệ QR code để hiểu hơn về các tác phẩm.
Đây là triển lãm nghệ thuật đầu tiên của Khoachim, diễn ra vào năm 2019. Và sẽ quay trở lại với mùa thứ 2 vào năm nay, dưới tên gọi #VIETNAMME02: ỦA
#2 DỰ ÁN VIETNAMME
Vietnamme là một tổ chức nghệ thuật cộng đồng với hy vọng sẽ khắc hoạ lại những cảm hứng/ vật dụng gần gũi của Việt Nam dưới một góc nhìn đương đại.
Không chỉ dừng lại ở khuôn khổ của nhiếp ảnh và không gian nền tảng mạng xã hội (social media), Vietnamme đã có rất nhiều hoạt động nghệ thuật cộng đồng tạo được tiếng vang trong năm vừa qua, có thể kể đến: Chuỗi workshop LỚP HỌC TÒ TE, sự kiện đối thoại nghệ thuật cộng đồng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam – “Vietnamme Talk 01: Thụ Động”, dự án MeAlive…
Trong thời gian tới, Vietnamme sẽ tiếp tục khởi động chuỗi hoạt động cộng đồng vô cùng mới mẻ: Vietnamme E-Magazine, triển lãm nghệ thuật #VIETNAMME 02, #VIETNAMME TALK 02… với mong muốn truyền cảm hứng cho người trẻ cũng như góp thêm cho công chúng một cái nhìn đương đại về Việt Nam.
Hình ảnh thực hiện bởi Khooa Nguyễn và video được thực hiện bởi Jerry Tuấn Trần và Johnny Việt Nguyễn.