Nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ Tuimi lớn lên tại Dresden với thời thơ ấu tràn ngập tiếng đàn piano và các bản karaoke, cho đến khi những danh ca kỳ cựu như Alicia Keys, Missy Elliott và Kanye West khơi nguồn cảm hứng để cô bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của chính mình. Sau đây là 10 bản nhạc tường thuật lại cuộc đời cô.
Đọc bài viết bằng tiếng Anh
Thuỳ My Phạm là người Đức gốc Việt hiện được đông đảo người yêu nhạc biết đến với cái tên Tuimi. Sinh ra và lớn lên ở thành phố miền Đông nước Đức Dresden cùng bố mẹ người Việt Nam, cô nhớ lại lần đầu tiên biểu diễn karaoke trên sân khấu khi cô mới chớm 3 tuổi. “Người Việt Nam mà, mỗi khi tụ họp là không thể thiếu màn karaoke.” Tuimi cười lớn. Đó cũng chính là khởi đầu cho sự nghiệp ca hát của cô. Tháng 3 vừa rồi, cô đã ra mắt bài hát ‘Purpose’, kết hợp ăn ý cùng rapper người Hà Nội, Gizmo.
Chúng tôi hẹn gặp Tuimi tại khu vực chơi game điện tử đầy màu sắc trong toà nhà Estella Place để nghe cô tâm sự về con đường âm nhạc của mình. Sau đây là một Tuimi thật cá tính sau 3 tháng hồi hương quay trở về Sài Gòn và những bài hát cô chọn trong tập tiếp theo của series Guest Mix.
Tuimi, trong thời thơ ấu lớn lên tại Dresden, âm nhạc có ý nghĩa với chị như thế nào?
Âm nhạc có sức mạnh không tưởng, âm nhạc luôn bên cạnh chị dù cảm xúc có trôi dạt về đâu. Chị cảm giác có thể được là chính mình khi đắm mình trong âm nhạc. Cảm giác tuyệt vời nhất là được kết nối với con người qua âm nhạc, dù là ở concert, sàn nhảy hay đơn giản chỉ qua 1 bài hát. Đó là bởi cảm xúc dẫn nguồn âm nhạc, khiến âm nhạc trở nên vô cùng thiêng liêng.
Từ lâu, âm nhạc đã là người bạn đồng hành, liệu pháp tâm lý và tình yêu lớn nhất của chị. Khi còn là cô gái tuổi teen, chị thường ở trong phòng mình viết nhạc trong khi phần lớn bạn bè bận rộn với những buổi party thâu đêm.
Hiện tại, chị hay nghe nhạc lúc nào, ở đâu?
Chị rất thích nghe nhạc vào sáng tinh mơ, khi đang chuẩn bị bữa sáng hay trang điểm. Âm nhạc tiếp cho chị nguồn năng lượng cho một ngày dài phía trước. Vào buổi tối âm nhạc giúp chị thư giãn sau một ngày mệt mỏi.
Khi còn ở Đức, chị di chuyển bằng xe ô tô. Đều đặn mỗi tuần chị đều dành ra một ngày lái xe đến Autobahn và mở nhạc cỡ to nhất. Chị có thể hét lên mà chẳng ai trên đường quan tâm. Đây cũng là một cách hiệu quả để kiểm tra chất lượng những bản mix của chị một cách chính xác nhất.
Giờ chị còn nghe những bài hát ngày xưa chị nghe nữa không?
Dù thời đại bây giờ con người ta hay cả thèm chóng chán, nhưng chị rất thích nghe toàn bộ album từ đầu đến cuối mà không bỏ qua bài hát nào, bởi chị hiểu được người nghệ sĩ phải bỏ bao công sức và đặt bao tâm huyết vào bài hát/ album của họ. Và lỡ mà chị bỏ qua một đoạn bridge hoặc outro hay ho thì sẽ tiếc biết mấy…
Theo chị thể loại âm nhạc nào đang bị đánh giá thấp? Thể loại nào được tung hô quá đà?
Câu hỏi khó ghê. Chị nghĩ thể loại nhạc cổ điển nên được trân trọng hơn. Nó là một liệu pháp cho tâm trí và tâm hồn. Thực ra âm nhạc của hiện tại đều được tạo nên từ nhạc cổ điển. Chị thấy rất lạ khi một số bạn trẻ không còn nghe những huyền thoại âm nhạc như Beethoven hay Chopin.
Còn chị không thể chọn một thể loại nào đang được ca ngợi quá đà. Khẩu vị âm nhạc của mỗi người là khác nhau, và chị tôn trọng điều đó.
Nếu được chọn một bài hát để thuyết phục một người rơi vào “lưới tình” với âm nhạc, chị sẽ chọn bài nào?
Bài “Crazy” của Gnarls Barkley. Đây có lẽ là một trong những bài hát kinh điển tuyệt vời nhất được viết nên và biểu diễn. Ca sĩ CeeLo Green phô trương được tất cả kĩ năng và cảm xúc của một danh ca thực thụ trong bản nhạc này. Chị nghĩ, chúng ta ai cũng sẽ có lúc thấm thía từng câu từ của bài hát.
Nghệ sĩ, bài hát, album nào thôi thúc chị theo đuổi con đường âm nhạc?
Danh sách này dài lắm, để chỉ thử tóm gọn nó lại đã. Phải kể đến Alicia Keys, Stevie Wonder, Missy Elliott, Pharrell, Kanye West. Rồi còn có Timbaland, Justin Timberlake và Beethoven.
Một vài album cho chị cảm hứng để tạo ra những bài hát của riêng minh là “Watch The Throne” của West & Jay-Z, “My Beautiful Dark Twisted Fantasy” của Kanye West, “Loose” của Nelly Furtado, “Good Kid, m.A.A.d City” của Kendrick Lamar, “Channel Orange” của Frank Ocean, “Love in the Future” của John Legend, và “Chapters” của Yuna.
Nhưng nếu chỉ được chọn 1, chị sẽ chọn Alicia Keys với bài hát nổi tiếng “Fallin”. Từ lúc còn là một cô bé 5 tuổi chập chững những buổi học piano đầu tiên, chị vẫn nhớ như in mong muốn trở thành ca sĩ giống như Alicia khi lớn lên.
Khi viết nhạc và thu âm, chị có nghe nhạc của các nghệ sĩ khác không?
Khi viết nhạc, chị thường tránh nghe những tạp âm khác nhưng đến khâu sản xuất, việc nghe nhạc và hấp thu kỹ thuật cũng như cảm xúc của các ca sĩ khác thi thoảng cũng có ích với chị.
Chị có thể tóm tắt ngắn gọn bản Mix này không?
Bản mix này có sự xuất hiện của những nghệ sĩ chị yêu thích nhất (tất nhiên có cả những ca sĩ chị nhắc đến ở trên). M vài bài hát có thể khiến bạn ngẫm nghĩ một chút đó. Chị lựa chọn các bài hát mà chị yêu thích dựa trên cách việt nhạc và cảm xúc của người hát chính khi biểu diễn. Nhìn chung nó sẽ khiến tâm trạng bạn trở nên vui vẻ hơn.
Cảm xúc khi nghe bản Mix này?
Đối với cá nhân chị, những bài hát này vực chị dậy trong những thời điểm khó khăn nhất. Chúng nhắc chị nhớ đến tình yêu và sức mạnh của âm nhạc. Chúng truyền tải một thứ cảm xúc chân thật nhất đến chị. Chị không chắc bản Mix có phản ánh tính cách của chị không, nhưng nó thực sự tiết lộ nhiều khía cạnh khác nhau trong chị, từ nhạy cảm, vui vẻ, trầm ngâm đến điên rồ, tràn trề động lực và tiềm năng..
Nên nghe bản Mix này ở đâu?
Sau giờ làm việc…ở bất cứ đâu! Bản Mix này dễ nghe và đều có thông điệp, ý nghĩa rất lớn với chị.
Câu hỏi cuối cùng, hãy miêu tả 10 bài hát mà chị chọn cho The DOT với!
Bắt đầu với bản “Super Rich Kids” của Frank Ocean và Andre3000, một bài hát kinh điển của thế kỷ 21. Tiếp đến là bài “Crazy” của Gnarls Barkley mà chị vừa đề cập. Nó sẽ luôn là một trong những bài hát ưa thích nhất của chị. “Adorn” của Miguel chứa đựng nhiều xúc cảm. Nó còn gợi lại kỉ niệm buổi concert đặc biệt ở Madison Square Garden mà chị từng tham gia, lúc đó Miguel chỉ hát bè cho Alicia Keys. Nhưng Miguel đã thực sự toả sáng theo cách riêng của mình!
Tiếp theo là bài hát “I wonder” của Kanye. Chị ngưỡng mộ cái thái độ “mặc kệ cả thế giới” của anh ấy. Bài hát sôi động và chắc chắn là tâm trạng bạn tốt lên. Rồi đến bài “Wet Dreamz” của J.Cole. Chẳng ngoa khi ví anh là một nhà thơ với câu từ đẹp đẽ trong bài hát này. Wet Dreamz đưa chị về những năm tháng đại học nhàn rỗi, giản đơn của cô sinh viên 20 tuổi.
Và kế tiếp là một nhà thơ nữa, Kendrick Lamaar với bản “Poeetic Justic”. Bài hát này gợi chị nhớ lại thời gian sinh sống tại Queens, New York và trong suốt 3 tháng trời, ngày nào chị cũng bật to hết nấc bài “Good Kid, m.A.A.d City” trên đường đi tàu địa ngầm.
Lizzo là một tượng đài đầy cảm hứng bởi cá tính chân thực, luôn là chính mình của cô. Lời bài hát “Time” của Yuna thực sự sâu sắc. Nghệ thuật kể chuyện bằng âm nhạc ở đây thật tài tình, khéo léo, không khiến bài hát trở nên quá sướt mướt, quỵ luỵ. Thêm vào đó, Time truyền tải một thông điệp thật ý nghĩa! Rồi một lần nữa chúng ta lại bắt gặp sự xuất hiện của Frank Ocean trong bản “Pink + White”. Bài hát cực kì thích hợp sau một ngày dài mệt nhoài.
Bài hát cuối cùng là “Hard Place” của H.E.R. Chị yêu thích tất cả mọi thứ từ bài hát này, đặc biệt là câu từ đơn giản và chất giọng mượt như nhung của H.E.R, không cần phải gào lên ở những nốt cao. Chị nghĩ, đây sẽ là nữ hoàng nhạc R&B của thế hệ mới.