Chúng tôi háo hức đến dùng bữa tại nhà hàng Nu Đồ Kitchen của Á Quân Masterchef Carol Phạm và thưởng thức những món cổ truyền miền Trung trong căn bếp của cô.
Read on in English.
Mì Quảng – món tủ tại Nu Đồ Kitchen là món ăn đường phố nổi tiếng miền Trung. Bất cứ “kẻ” yêu ẩm thực nào cũng đều biết đến sự kết hợp đậm đà của món ăn đầy bản sắc dân tộc này.
Đâu đó trong tô mì quảng với nước dùng ngọt ngào, gà, trứng cút, bánh đa và đậu phộng là cái tinh tế của gia vị miền Bắc và cái hỗn tạp của ẩm thực miền Nam. Nó là món ăn biểu trưng cho miền Trung – cay cay ngọt ngọt, vừa lạnh vừa nóng. Một lựa chọn hoàn hảo cho cả những ngày lạnh hay nắng nóng bên bãi biển.
Và Carol đã nâng món ăn tưởng chừng đơn giản lên một tầm cao mới, làm mới nó bằng chính những trải nghiệm du lịch nhiều năm tại Ấn Độ và Malaysia của cô nàng từ đó “ghi dấu” món ăn này vào văn hoá ẩm thực ngày một phát triển của Đà Nẵng và Hội An.
The Spice Girl
“Những người ở Điện Bàn, giữa Hội An và Đà Nẵng nơi chị lớn lên, không hay ăn nhiều thịt,” cô chia sẻ, “họ hay ăn cá, nên họ rất quen mặt các loại gia vị như gừng, nghệ, hành. Chị lớn lên với những gia vị đó. Chị là “spice girl”!”
Sau khi học xong và làm việc một thời gian tại Sài Gòn, Carol quyết định rời Việt Nam để tới Malaysia. “Lúc đó chị nghĩ đó là một cơ hội tốt để kiếm tiền. Và chị học hỏi được rất nhiều tại đây.” Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ban đầu, Carol không thực sự ưa thích các món ăn ở đây. “Mọi thứ đều vừa mặn, vừa cay, và rất nồng!” Cô phải mất một thời gian thử nghiệm và thích nghi với hương vị tại đây, bao gồm cả những món Ấn Độ, Trung Quốc trước khi hợp đồng của chị kết thúc.
Khi trở về Đà Nẵng để “dấn thân” vào ngành du lịch, cô cũng chịu khó mời bạn bè đến nhà và nấu ăn cho họ. Bạn bè cô thấy một sự khác biệt rõ ràng trong các món ăn cô nấu – mọi thứ đều đậm đà hơn. Và cô cũng giữ cái đậm đà ấy trong món nước tại Nu Đồ của mình.
Thoảng trong món ăn của Carol là sự ẩn hiện của những nền văn hoá khác nhau nhưng không quá mạnh mẽ. Chút quế trong nước dùng bò cũng đủ làm nồi nước thêm trọn vị. Những món cá được “thổi hồn” từ gia vị cà ri của Malaysia. “Nhiều người còn ngạc nhiên trước sự dễ dàng chấp nhận nền ẩm thực, văn hoá khác.”
“Mỗi đầu bếp lại có một cách nấu Mì Quảng khác nhau, nhưng với chị đây là món ăn truyền thống, nên quan trọng nhất sợi mỳ phải ngon, tiếp theo là nước sốt đậm vị và rau xanh tươi mát.”
Món Mì Quảng của Carol là một sự kết hợp giữa cái truyền thống và hiện đại – mang đến hương vị vừa gần gũi, vừa lạ miệng cho người ăn.
Nơi Hội An Và Đà Nẵng Giao Thoa
Nhà hàng của Carol nằm trước sân ngôi nhà phong cách Việt Nam truyền thống do chính cô thiết kế. Một địa điểm hoàn hảo để thực khách nhâm nhi bữa ăn tối hay ghé vội bữa trưa trước khi quay trở lại buổi chiều làm việc/ khám phá thành phố bận rộn.
“Nếu như không có cuộc thi Masterchef Việt Nam, chắc giờ chị đang sinh sống ở Úc với ông xã, nhưng nhờ Masterchef mà chị đã ở lại đây. Chị từng đến Hà Nội thực hiện một TV show và qua đó gặp được một anh chàng kiến trúc sư rất ít nói. Chị thích cách ảnh thiết kế – chẳng có kế hoạch cụ thể và luôn đi theo lý trí của mình. Chị lấy số điện thoại của ảnh, và sau hai cuộc nói chuyện, một cuộc gặp gỡ ở Đà Nẵng, ảnh đã giúp chị xây dựng căn nhà này.”
Bước vào ngôi nhà của Carol ở cuối đường, bạn lập tức cảm thấy ấm áp và an nhiên bởi bức tường vàng và mảnh sân rợp lá, như thể bạn đã bỏ lại thành phố tấp nập phía sau và về lại vùng quê thanh bình.
“Ở Hội An, có rất nhiều căn nhà được tận dụng làm nhà hàng ở đằng trước. Chị trình bày với anh chàng kiến trúc sư nguyện vọng về một căn bếp và một nhà hàng xung quanh nó. Ảnh nói với chị “đừng nghĩ về về việc kinh doanh của em vội. Mọi người đến đây là vì em, để trải nghiệm món ăn của em, nên hãy xây một căn bếp nhỏ trong vườn. Mọi thứ đều hoà hợp với nhau.”
Và đúng là nhà hàng của cô cho người ghé thăm một cảm xúc như vậy thật. Căn bếp nhỏ xinh với cánh cửa khép hờ và cửa sổ kính ngăn cách khu vực nhà riêng – Carol vừa nấu ăn cho khách, vừa dõi theo gia đình nhỏ của mình tại khu vực phòng khách.
Thời Gian Dành Cho Gia Đình tại Nu Đồ Kitchen
Với Carol, thời gian dành cho gia đình rất quan trọng.
“Rất nhiều người nói rằng chị đang chia sẻ không gian công việc và gia đình mọi lúc mọi nơi. Ba mẹ chị từng có một quán ăn nhỏ và chị lớn lên tại căn nhà phía sau quán. Và mỗi ngày, chị loăng quăng chạy đến căn bếp, phụ ba mẹ bưng bê phục vụ khách. Chị vui lắm! Chị mong những đứa con của mình cũng yêu thích ẩm thực như chị. Chia sẻ thức ăn, cuộc sống với mọi người là điều rất quan trọng. Những đứa trẻ có thể học hỏi thực tế từ đây.”
Giờ đây, khi nhà hàng đã vận hành ổn định, sau bước tiến Masterchef, Carol đang rục rịch chinh phục thử thách lớn tiếp theo trong sự nghiệp của mình: giới thiệu văn hoá ăn uống lành mạnh đến thế hệ trẻ.
Khi còn tham gia Masterchef, mỗi ngày Carol đều dậy từ 5 giờ sáng cùng 15 thí sinh khác. Cô không được liên lạc với bên ngoài và tệ hơn cả là phải ăn đồ ăn căng-tin đến hai tháng trời. Các thí sinh không được ăn thức ăn họ nấu cho đến khi họ được giám khảo chấm điểm món ăn đó.
Carol cảm thấy mệt mỏi và muốn một thử thách mới.
“Suốt ba năm làm mẹ, chị không làm được gì khác. Lúc mới có con, chị đã rất lo lắng. Chị thấy trẻ con Việt Nam có rất nhiều vấn đề với việc ăn uống. Chúng khóc, mè nheo, biếng ăn. Chị nghĩ bụng, sao trẻ con lại không thích thức ăn được nhỉ? Chị đọc qua nhiều sách, cũng nói chuyện với nhiều đứa trẻ, và nhận ra rằng trẻ con Việt Nam không biết cách ăn, cũng không được dạy ăn uống sao cho hợp lý. Bố mẹ chúng bận rộn, đi làm sớm và khuya và không “nạp” đủ kiến thức cho mình. Họ cho rằng trẻ con không có răng, nên tất cả đồ ăn phải xay nhuyễn. Thực tế là trẻ con cần học cách ăn từ bé – cách nhai và sử dụng lưỡi của mình.”
“Trẻ con thích các hương vị lắm. Chúng rất tò mò về thức ăn, có điều bố mẹ chẳng bao giờ dạy chúng. Lớn lên như vậy, dần dần chúng ghét thức ăn và biếng ăn. Và bố mẹ thì nghĩ là có vẻ đồ ăn chưa được nhuyễn, rồi lại xay mịn hơn nữa.”
“Mỗi ngày, chị đều cố gắng giới thiệu đến bọn trẻ nhà chị các món ăn và trái cây khác nhau. Chị dạy chúng cách dùng thìa, dĩa sau một năm và khi lên hai tuổi đã dùng đũa. Chúng yêu thích tất cả thức ăn. Những bà mẹ đi theo cách của chị, con của họ đều yêu đồ ăn trong vòng sáu tháng. Vì thế, năm sau chị muốn viết một cuốn sách về các công thức lành mạnh cho trẻ. Chúng sẽ phần nào cải thiện lối suy nghĩ của những bà mẹ và tạo cho trẻ con Việt Nam cơ hội ăn uống hợp lý hơn.”
Photos by Khooa Nguyen.