Như thế nào là một Việt Nam chính hiệu? Phải chăng đó là cái nắng oi ả ban trưa, những chiếc xe máy 50 phân khối bất chấp tất cả mọi thứ, hay cơn thịnh nộ đã quá quen thuộc của người qua đường vào giờ cao điểm? Đối với Dear Asian Youth Saigon, Việt Nam là tất cả những điều đã kể trên, và triển lãm nhiếp ảnh gần đây nhất của họ sẽ thuật lại mọi thứ một cách thật đầy đủ, trọn vẹn.
Read on in English
Về DAY@SGN
Dear Asian Youth Saigon là một nhánh nhỏ của cộng đồng Dear Asian Youth trên toàn thế giới. Kể từ khi thành lập vào năm 2020, tổ chức này đã làm việc không ngừng nghỉ nhằm nâng cao bản sắc, mặt tốt và chưa tốt của đất nước Việt Nam, đồng thời định nghĩa lại Việt Nam qua lăng kính hiện đại của những người trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết. The Vietnamese Experience là hiện thân hoàn hảo của nguyên tắc này nhờ vào sự đóng góp và hỗ trợ từ những người bản xứ nhằm tạo nên sự hiểu biết đầy đủ về Việt Nam.
Chúng tôi đã gặp gỡ bốn nhiếp ảnh gia có tác phẩm được trưng bày tại triển lãm kể về những câu chuyện, nguồn cảm hứng và ý nghĩa đằng sau mỗi cú nháy ảnh của họ.
Lê Trung Hạo
Hạo chỉ nhận mình là một “Người Đam Mê Truyền Thông” (nhấn mạnh là không phải “Nghệ sĩ”), đồng thời cậu bạn cũng sắp là tân sinh viên của trường đại học RMIT Việt Nam. Theo học chuyên ngành Phim Kỹ Thuật Số, Hạo sẽ truyền tải tầm nhìn về thế giới của mình thông qua chiếc máy ảnh số của mình. Lấy cảm hứng từ hoạ sĩ theo trường phái hậu ấn tượng Van Gogh (phần lớn là dựa trên câu chuyện cuộc đời của ông), Hạo sử dụng nhiếp ảnh như một sự giải phóng – một tờ giấy trắng để vẽ nên câu chuyện của riêng mình và truyền tải những xáo trộn trong tâm trí.
“Công việc của mình chủ yếu liên quan đến truyền thông… đó là những gì mọi người cảm nhận bằng mắt và tai của họ.”
Hạo bị mê hoặc bởi văn hoá Việt Nam ở nhiều khía cạnh. Đối với Hạo, ẩm thực, giọng nói, lịch sử tổ tiên, tất cả đều góp phần tạo nên vẻ đẹp đa dạng của Việt Nam. Cậu bạn có vẻ đặc biệt quan tâm đến tiếng địa phương của Việt ngữ học về cách mà chúng ta định nghĩa những mối quan hệ bằng đại từ nhân xưng.
“Mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi mình được tiếp xúc với rất nhiều nền văn hoá khác nhau ngay cả trong con hẻm mà mình sinh sống. Với chiếc máy ảnh, mình có thể lưu giữ lại được những điều nhỏ bé, những khoảnh khắc trong đời mà mình không thể nào nhớ hết được. “
“Việc là một người Việt Nam có nghĩa là chúng ta sẽ được tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau, và có rất nhiều thứ đáng để nhớ về nó. Ẩm thực chính là thứ khiến mình tự hào về quê hương mình. Cách tốt nhất để kết nối với ai đó là thông qua những món ăn truyền thống, được ngồi ăn bún chả cá, phở, bún bò hay nhấp một ngụm trà đá thực sự là một trong những cách tuyệt vời nhất để làm cho người khác hiểu thêm về văn hoá của chúng ta. Mình rất tự hào khi giới thiệu đến bạn bè quốc tế về nền văn hoá của Việt Nam thông qua ẩm thực.”
Khi được hỏi về tác phẩm mà Hạo tâm đắc nhất, Người Đam Mê Truyền Thông kể về bức ảnh “Trạm Trung Chuyển Xe Buýt Sài Gòn” của mình. Cậu bạn đặc biệt quan tâm đến phong cách “Cyberpunk”, và đã biến tấu tấm ảnh để phù hợp với chủ đề phong cách này.
“Là một Người Đam Mê Truyền Thông, mình có thể tạo ra và chỉnh sửa những bức ảnh và video theo ý thích và đồng thời bằng một cách nào đó cũng tạo nên được không khí phù hợp với thị hiếu của người xem.”
Thông qua các tác phẩm của mình, Hạo hy vọng sẽ truyền được tinh thần “Just Do It” (Cứ Làm Đi”) cho những người sáng tạo nội dung khác. “Tất cả những gì mình có thể nói là bạn phải làm thì mới biết được nó sẽ ra sao hoặc là bạn hãy cứ giả vờ nghĩ là mình làm được cho đến khi bạn thực sự làm được điều gì đó. Và mình hứa là các bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn vào một ngày không xa.”
Trang Tạ
Trang Tạ là một nghệ sĩ Việt Nam sống ở Montreal sau nhiều năm phiêu lưu đến những vùng đất khác nhau. Nghệ thuật của Trang là sự thúc đẩy cho sự thể hiện của bản thân và hoà hợp với thiên nhiên. Đối với cô, nhiếp ảnh, cả kỹ thuật số và phim, là công việc cô theo đuổi lâu nhất kể từ khi còn học cấp hai ở Sài Gòn. Quá trình sáng tạo của Trang là liều thuốc tinh thần cho không chỉ cô mà là bất cứ khách mời nào tham gia nào đều có thể cảm nhận được điều đó. Đó là lời nhắc nhở thân tình để người xem quay trở lại với thiên nhiên, quay trở về cái những gì thuần khiết, cân bằng và đơn giản.
Trang thử nghiệm nhiếp ảnh từ khi còn nhỏ, ghi lại cuộc sống và sự trần tục của nó qua ống kính của mình. Cô chọn truyền tải một Sài Gòn giản dị đẹp đẽ nhưng đầy cảm xúc, từ những giá treo quần áo trang trí hành lang cho đến góc đường Nguyễn Du và Công Xã Paris ngay sau cơn mưa bất chợt.
“Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho tôi, cả về nhiếp ảnh và viết lách, chỉ đơn giản bằng cách Sài Gòn tồn tại và phát triển qua nhiều năm. Sài Gòn là nhà, là bạn, cũng có khi là người yêu, là cha mẹ của tôi, đôi lúc Sài Gòn còn là một người hoàn toàn xa lạ, nhưng Sài Gòn luôn mang đến cho tôi vô vàn cảm xúc đặc biệt kể từ khi tôi còn nhỏ và mỗi lần tôi quay lại nơi đó.”
Chưa bao giờ Trang quên đi mất quê hương, cội nguồn của mình. Bản sắc dân tộc vẫn luôn hằn sâu trong trái tim cô. Và Trang vẫn giữ cho mình những nét riêng đặc trưng của người con gái Việt Nam cho đến tận hôm nay, dù sống nơi xứ người.
“Tôi cảm thấy may mắn khi vừa học hỏi và thấm nhuần nhiều giá trị, câu chuyện và nét thẩm mỹ tuyệt vời của Việt Nam khi tôi lớn lên ở đó, vừa có thể phân tích mặt xấu và mặt tốt của Sài Gòn và đương nhiên, tôn trọng những gì vốn có của thành phố này.”
Tính đa cảm của Sài Gòn mang đậm dấu ấn cá nhân luôn là đối tượng liên tục được ngưỡng mộ trong ống kính của cô. “Đối với tôi, tất cả đều xuất phát từ con người và những cảm xúc mà tôi gắn bó với họ. Việt Nam là quê hương và bạn có thể tưởng tượng ra tất cả những bi kịch, những điều đẹp đẽ, những điều xấu xí, những điều vui, những điều buồn có thể xảy ra ở quê nhà. Ông bà ngoại, bố mẹ ly hôn, yêu xa, Tết vui hay buồn, một người bạn trai da trắng, bạn đồng hương cấp 3 người Việt, bạn thân, mấy chú xe ôm công nghệ, ngồi sau xe người yêu, một Sài Gòn tấp nập, Sài Gòn bình yên.”
Tôn Thất Vĩnh Khang
Dù đang sinh sống ở Chicago, nhưng trong anh vẫn luôn coi mình là người Sài Gòn. Anh đã chứng kiến từng giai đoạn phát triển của thành phố này đến khi nó trưởng thành như hiện tại. Chiếc máy ảnh đã theo chân anh từ bang California của Mỹ đến Việt Nam, ghi lại hành trình vòng quanh Việt Nam của mình. Khang lấy cảm hứng từ sự hoa lệ của Sài Gòn: lúc thì sôi động và nhộn nhịp, lúc thì lại yên tĩnh và u sầu.
“Ai đã từng đi qua những con phố tấp nập đông đúc của Sài Gòn đều biết rằng sẽ có hàng triệu những việc xảy ra cùng một lúc. Tuy nhiên, người ta luôn có thể tìm thấy điều gì đó đẹp đẽ giữa những hỗn loạn ngoài kia. Đó có thể là một người bán hàng rong với thúng xôi mới hấp, một cặp đôi đang chở nhau trên chiếc xe đạp, những trận bóng đá đường phố trong công viên hay đơn giản là một chiếc xe máy đậu trước một tòa nhà trống.”
Không khí Chicago gợi lên trong lòng Khang một số suy ngẫm về sắc tộc của anh với tư cách là một người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Từ nghe nhạc của Trịnh Công Sơn khi Tết đến, mọi thứ về đất nước này đều hình thành nên trải nghiệm và con người anh.
“Khi chụp ảnh đường phố Sài Gòn, tôi luôn tìm kiếm một điều gì đó. Đôi khi nó ở ngay trước mắt tôi và rất dễ nhận ra, nhưng đôi khi cũng mất rất nhiều thời gian để nhận ra nó, tôi sẽ nhìn xung quanh và tìm những góc độ đa dạng khác nhau để chụp. Đây là một quá trình thú vị và đáng ngạc nhiên, đó cũng chính là lý do tại sao tôi rất thích nó.”
Bức ảnh Mạch Nha của anh minh họa tầm nhìn tương phản này, chụp một người bán hàng rong trước cửa hàng Louis Vuitton.
“Bức ảnh là tất cả những trải nghiệm của tôi về Việt Nam. Việt Nam là nơi có nhiều yếu tố tương phản, mâu thuẫn có thể cùng tồn tại trong một khung hình. Bức ảnh này đặc biệt thể hiện tình yêu của tôi với việc chụp ảnh đường phố Sài Gòn – có hàng triệu điều xảy ra cùng một lúc, và nếu bạn tìm kiếm nó, bạn sẽ thấy rất nhiều vẻ đẹp trong những thứ đang diễn ra chung quanh.”
Khang chạm đến sự đa dạng của bản sắc Việt Nam trên khắp thế giới – rằng tinh thần Việt Nam không bao giờ thực sự phai nhạt dù ở xa quê hương. Đối với Khang, là người Việt Nam chính là tìm thấy sự kết nối quý giá với di sản quê hương mình thông qua các phương tiện khác nhau ở những địa điểm khác nhau.
“Vì người Việt chúng ta là người đa sắc tộc, đa văn hóa, sống ở nhiều châu lục nên cho dù bạn có là ai, có đi đến đâu và đến từ đâu thì bạn vẫn là người con Việt Nam. Khác xa với việc trở thành những cá thể giống nhau, người Việt chúng tôi là một nhóm người vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều gắn kết chúng tôi thành một nhóm là mỗi người đều có mối liên kết với nền văn hóa chung của Việt Nam.”
Phạm Thế Quang
Quang, hay còn được biết đến với cái tên Arthur, là học sinh cuối cấp trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Mặc dù cha mẹ không thực sự ủng hộ năng khiếu nhiếp ảnh của mình, Quang vẫn quyết tâm theo đuổi con đường này.
“Mình có niềm đam mê lớn với nhiếp ảnh, mình thích âm thanh phát ra từ màn trập và những bức ảnh chụp được có ý nghĩa vô cùng to lớn làm mình rất muốn chia sẻ chúng với mọi người.”
Khi được hỏi về bản sắc Việt Nam, Quang nhấn mạnh đến việc thuộc về một nơi chốn và là một phần của một tổng thể lớn hơn. Theo Quang, mọi thứ về quê hương của cậu đều đáng nhớ và rất khó để xác định chính xác khoảnh khắc nào đặc biệt hơn. Quang đề cao sự hài hoà – sự kết hợp của vô số yếu tố tạo nên vẻ độc đáo của riêng Việt Nam. Trong ống kính của Quang, không có một phút giây nào là nhàm chán.
“[Là người Việt Nam] là sự kết nối mạnh mẽ với cội nguồn và di sản văn hoá. Nó có nghĩa là trở thành một phần của cộng đồng có lịch sử, truyền thống và phong tục phong phú được truyền qua nhiều thế hệ. Nó có nghĩa là trân trọng sâu sắc ngôn ngữ, lịch sử, ẩm thực, âm nhạc và các loại hình nghệ thuật Việt Nam. Là một người Việt Nam cũng có nghĩa là nhận thức được sự hy sinh và những tranh đấu mà ông cha ta đã trải qua để chúng ta có được nền hoà bình hôm nay. Vậy nên, mình biết là mình phải có trách nhiệm để phát huy những giá trị và truyền thống của quê hương mình.”
Đối tượng của Quang chủ yếu là người Việt Nam đang cố gắng mưu sinh và du hành theo dòng thời gian. Tác phẩm mà Quang tự hào nhất là về một người phụ nữ bán vé số ở chợ Tân Mai, Biên Hoà. Quang kể, khoảnh khắc trần tục này đã thu hút sự chú ý của cậu và cậu cảm thấy khoảnh khắc một người bình dị đang làm công việc của mình thật hấp dẫn.
“Cô ấy rất tốt và thân thiện, cổ chỉ mỉm cười và đồng ý làm mẫu cho mình. Sau khi chụp xong, mình cho cô xem và mua ủng hộ 2 tờ vé số. Mình thậm chí có thể nhìn thấy tia hạnh phúc trong ánh mắt của cô. Khoảnh khắc đó đối với mình thật khó quên. Bức ảnh chân dung này tuy đơn giản nhưng nó lại có ý nghĩa sâu sắc đối với mình vì mình vừa ghi lại được một khoảnh khắc vô giá mà hầu hết mọi người ở thành phố này thường hay bỏ qua.”
Những Dòng Cuối
Mỗi nghệ sĩ này đều mang đến một góc nhìn độc đáo cho triển lãm của DAY@SGN. Từ sự bình dị của Sài Gòn sau cơn mưa đến chiếc xe buýt Cyberpunk, mỗi bức ảnh này đều ghi lại một khía cạnh độc đáo của con người Việt Nam – một điều gì đó vốn phức tạp và khó diễn đạt thành lời. Triển lãm của DAY@SGN gói gọn trải nghiệm của mỗi người vào một bức tranh lớn của The Vietnam Experience hứa hẹn sẽ thỏa mãn được mong đợi của người xem về chủ đề này.